Giỏ hàng trống
Hỏi - đáp bệnh sốt xuất huyết
Bệnh sốt xuất huyết đang vào mùa, Bộ y tế khuyến cáo người dân nên chủ động phòng chống dịch. Hãy trang bị những kiến thức cần thiết về bệnh sốt xuấ huyết để có thể bảo vệ gia đình bạn.
1.Bệnh sốt xuất huyết (SXH) là gì?
Bệnh SXH do virus Dengue gây ra. Cho đến nay, nó vẫn là một bệnh rất nguy hiểm; những trường hợp nặng có thể dẫn đến tử vong do trụy tim mạch (sốc) và do xuất huyết ồ ạt.
2.Triệu chứng của sốt xuất huyết là gì?
Bệnh sốt xuất huyết bao gồm 2 loại:
Sốt xuất huyết dengue
Sốt xuất huyết dengue có những triệu chứng giống như cúm, kéo dài từ 2 đến 7 ngày. Thời gian ủ bệnh từ 4 đến 10 ngày sau khi bị muỗi mang mầm bệnh đốt.
Sốt cao (40°C) thường kèm theo ít nhất là hai trong những triệu chứng sau:
- Đau đầu
- Nhức sau hốc mắt
- Buồn nôn, nôn
- Sưng hạch bạch huyết
- Đau mỏi cơ, xương hay khớp
- Phát ban
Sốt xuất huyết dengue nặng
Khi tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng, giai đoạn biến chứng nặng xảy ra vào ngày thứ 3-7 sau khi bệnh khởi phát. Nhiệt độ giảm; song điều đó KHÔNG nhất thiết có nghĩa là người bệnh đang hồi phục. Ngược lại, cần phải đặc biệt theo dõi những dấu hiệu cảnh báo sau, vì bệnh có thể tiến triển thành sốt xuất huyết dengue nặng:
- Đau bụng cấp
- Nôn dai dẳng
- Chảy máu chân răng
- Nôn ra máu
- Thở gấp
- Mệt mỏi/ bứt rứt
Khi nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết dengue nặng, bệnh nhân cần được đưa ngay đến phòng cấp cứu hoặc cơ sở y tế gần nhất bởi vì:
- Thoát huyết tương có thể dẫn đến sốc và/hoặc ứ dịch, kèm hoặc không kèm theo suy hô hấp;
- Xuất huyết nặng;
- Suy tạng nặng.
3.Ai có thể bị SXH?
Tất cả mọi người đều có thể bị SXH. Ở các tỉnh phía Nam hiện nay, hầu hết các trường hợp SXH (70%) xảy ra ở trẻ em dưới 15 tuổi. Trẻ dưới 12 tháng tuổi vẫn có thể bị SXH nặng.
4.Những đối tượng nào làm lây truyền sốt xuất huyết ?
Virus dengue được truyền sang người qua vết đốt của muỗi cái (Aedes aegypti). Khi muỗi cái Aedes aegypti hút máu bệnh nhân nhiễm virus dengue, nó sẽ bị nhiễm virus. Sau khoảng 1 tuần, con muỗi đó có thể truyền virus khi đốt một người khỏe mạnh
Muỗi Aedes aegypti là loài hút máu vào ban ngày: thời kỳ cao điểm đốt người của nó là vào buổi sáng sớm và buổi chiếu tối trước hoàng hôn
5.Bệnh SXH có thể lây trực tiếp từ người sang người không?
Virus dengue không thể lây truyền trực tiếp từ người sang người. Tuy nhiên, bệnh nhân sau khi bị nhiễm virus và sốt có thể là nguồn truyền virus cho những con muỗi khác. Người bị nhiễm là người mang bệnh từ nước này sang nước khác hoặc từ vùng này sang vùng khác trong thời gian virus lưu hành và nhân lên trong máu của họ.
6.Làm sao biết trẻ bị bệnh SXH?
Nếu trẻ bị sốt cao (39-40 độ C) từ 2 ngày trở lên, phải nghĩ ngay đến bệnh SXH và đưa đến cơ sở y tế để được khám và theo dõi. Khi cần, các bác sĩ sẽ cho các cháu thử máu để theo dõi diễn tiến của bệnh.
7.Trẻ đang theo dõi SXH có thể điều trị tại nhà không?
Trong 10 trường hợp bị SXH, chỉ một hoặc hai trường hợp trở nặng (có biến chứng) phải được nhập viện ngay và chữa trị tại bệnh viện. Các trường hợp còn lại được điều trị ngoại trú và tái khám theo dõi mỗi ngày tại cơ sở y tế cho đến hết ngày thứ 7 của bệnh. Khi trẻ hết sốt, thèm ăn, chạy chơi là an toàn.
8.Nên làm gì khi trẻ bị SXH?
Khi trẻ sốt cao, cho uống thuốc hạ sốt paracetamol, lau mát bằng nước ấm để tránh biến chứng co giật. Không nên cạo gió, cắt lể vì những cách này gây đau, chảy máu, nhiễm trùng. Tuyệt đối không tự ý cho uống thuốc aspirine, ibuprofen vì có thể gây chảy máu dạ dày. Nên cho trẻ uống nhiều nước (cam, chanh, oresol, nước chín nguội), ăn thức ăn lỏng nhẹ, nằm nghỉ ngơi và theo dõi các dấu hiệu trở nặng của bệnh.
9.Cách theo dõi tại nhà như thế nào?
Phải theo dõi sát các cháu, không được lơ là. Thời điểm nguy hiểm nhất là khi trẻ hết sốt (thường từ ngày thứ 3 đến hết ngày thứ 6 của bệnh), trẻ có thể trở nặng và sốc, dẫn đến tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện kịp thời.
Các dấu hiệu trở nặng của bệnh SXH: Nôn nhiều, đau bụng, bứt rứt, lăn lộn, tay chân lạnh, tím, vã mồ hôi, chảy máu mũi, chảy máu chân răng, nôn ra máu, đi tiêu ra máu. Trẻ hết sốt nếu có một trong các dấu hiệu trên phải được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay.
10.Hiện có thuốc tiêm phòng SXH không?
Cho đến nay, vẫn chưa có vacxin phòng ngừa hiệu quả bệnh SXH. Các nghiên cứu về vacxin này vẫn còn ở giai đoạn thử nghiệm lâm sàng, phải nhiều năm nữa mới có thể phổ biến.
11.Làm thế nào để phòng ngừa bệnh SXH?
Muỗi vằn là trung gian truyền bệnh SXH. Sau khi đốt trẻ bị bệnh SXH, muỗi vằn nhiễm virus Dengue và sau đó khi chích trẻ khác, nó sẽ làm lây bệnh SXH. Muỗi vằn sống trong nhà và đốt trẻ vào ban ngày. Như vậy, để phòng bệnh SXH, trước hết phải tránh muỗi bằng cách cho trẻ ngủ màn kể cả ban ngày, mặc quần áo dài tay, xoa kem chống muỗi ở da, dùng nhang, thuốc phun diệt muỗi trong nhà.
Muỗi vằn đẻ trứng và trứng phát triển thành lăng quăng nơi nước trong. Do đó, phải tiêu diệt hết lăng quăng bằng cách dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, dẹp bỏ các nơi đọng nước như lu, máng, lon, hộp, gáo dừa, vỏ xe.
BS Nguyễn Thanh Hùng và Theo WHO – Tây Thái Bình Dương
Thông tin hữu ích khác:
- Cẩn thận khi bệnh sốt xuất huyết vào mùa.
- Sốt xuất huyết không thể coi thường.
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (07/07/2014)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (07/07/2014)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (07/07/2014)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (07/07/2014)
- Những điều cần biết về đường huyết (07/07/2014)