Sốt xuất huyết, không thể coi thường

Ngày cập nhật: 07/04/2014

Bệnh sốt xuất huyết không chỉ nguy hiểm với trẻ nhỏ mà còn đặc biệt nguy hiểm với người lớn, có thể dẫn tới tử vong khi tình trạng xuất huyết xảy ra nghiêm trọng, suy giảm tiểu cầu mà không được bù đủ và kịp thời.

Bệnh sốt xuất huyết (SXH) gây ra do virus Dengue thuộc họ Flaviviridae được lan truyền từ người bệnh sang người lành qua véc tơ truyền bệnh là muỗi Ae.aegypti và Ae.albopictus, mặc dù đã có chương trình phòng chống nhưng trên thế giới cũng như Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về căn bệnh này.

Tình hình bệnh sốt xuất huyết tại Việt Nam

Từ năm 1913, Gaide đã thông báo về bệnh sốt Dengue cổ điển tại miền Bắc và miền Trung. Từ 1995-1998 dịch gia tăng liên tục, bùng phát mạnh vào năm 1997 và số ca mắc/tử vong gia tăng đột biến vào 1998 tại 56/61 tỉnh, thành phố. Trước tình hình dịch SXH bùng phát mạnh, Chính phủ đã phê duyệt Dự án quốc gia phòng chống SXH thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia thanh toán một số bệnh xã hội và bệnh dịch nguy hiểm.

Năm 2014, trong 5 tháng đầu năm có 10.127 số ca mắc sốt xuất huyết và 7 trường hợp tử vong, so với cùng kỳ năm 2013 số ca mắc bệnh đã giảm 41% và số người tử vong vì sốt xuất huyết cũng giảm 6 trường hợp. Nguyên nhân SXH gia tăng là do biến đổi khí hậu như nhiệt độ cao, mưa nhiều tạo điều kiện thuận lợi cho véc tơ truyền bệnh sinh sản, phát triển, các chỉ số giám sát côn trùng tại các điểm xảy dịch đều cao.

Bệnh SXH không có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vaccine phòng bệnh nên các nghiên cứu đều tập trung tìm các biện pháp làm giảm mật độ bọ gậy, muỗi và ngăn cản sự tiếp xúc giữa người và muỗi Aedes. Theo các nghiên cứu này, vecto truyền bệnh – muỗi  chủ yếu phân bố ở các tỉnh/thành phía Nam và không có mặt ở 11 tỉnh vùng núi phía Bắc, bệnh sốt xuất huyết phát triển mạnh vào các tháng mùa mưa.

Dễ tử vong do chủ quan

Nhiều người nghĩ rằng bệnh SXH chỉ nguy hiểm đối với trẻ nhỏ, còn ở người lớn dễ qua khỏi hoặc nhiều người mắc SXH mà không biết, cứ nghĩ là cảm cúm, sốt thông thường nên tự uống thuốc, điều này dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.

SXH ở người lớn rất khác ở trẻ em. Trẻ em bị SXH có biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, trong khi người lớn thì ngược lại - xuất huyết nhiều hơn sốc và sốt cao hơn trẻ em. Người lớn mắc SXH có nguy cơ tử vong cao hơn trẻ em do chảy máu nhiều, xuất huyết não, suy đa tạng (suy gan, suy thận, trụy tim mạch). Ở nữ giới, khi mắc bệnh này, xuất huyết âm đạo không trùng với chu kỳ kinh nguyệt và điều đó khiến nhiều người nhầm tưởng mắc bệnh phụ khoa.

Bệnh SXH đang vào giai đoạn cao điểm vì vậy người dân nên hết sức cảnh giác. Các cơ sở y tế địa phương cũng cần tăng cường phát hiện, điều trị SXH ở người lớn vì dễ bị biến chứng phức tạp, nguy cơ tử vong nhanh nhưng ít được chẩn đoán sớm.

                                      

Cẩn thận với tình trạng suy giảm tiểu cầu.

Tại các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Đà Nẵng… số lượng bệnh nhân mắc SXH giảm tiểu cầu ở ngưỡng nguy hiểm (tiểu cầu từ 10.000 - 20.000) ngày càng tăng. Nhiều bệnh viện có tới 50% số bệnh nhân mắc SXH giảm tiểu cầu tới 20.000. Khi tiểu cầu giảm quá thấp, các bác sĩ phải cấp cứu đặc biệt, truyền tiểu cầu (20kg truyền 2 đơn vị tiểu cầu), thoát dịch, chống sốc…. Ngoài ra, bệnh nhân phải làm ngay xét nghiệm rối loạn đông máu, bệnh nhân được cho dùng kháng sinh để đề phòng nhiễm khuẩn bệnh viện.

Ngoài ra, do số bệnh nhân SXH tăng nhanh, nhu cầu truyền tiểu cầu cao, trong khi khả năng đáp ứng tiểu cầu để truyền ở các bệnh viện cũng hạn chế, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm. Bởi vậy, nếu gia đình bệnh nhân phát hiện bệnh sớm, cơ sở y tế tuyến dưới có phương pháp điều trị tích cực thì hoàn toàn có thể kiểm soát được bệnh, hạn chế tối đa tiểu cầu giảm thấp.

Làm gì khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết?

Khi có các dấu hiệu nghi ngờ mắc SXH như: Sốt cao đột ngột 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, khó hạ sốt; Đau đầu dữ dội ở vùng trán, sau nhãn cầu; Có thể có nổi mẩn, phát ban; Có dấu hiệu xuất huyết: Chấm xuất huyết ngoài da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, vết bầm tím chỗ tiêm, nôn ra máu, đi cầu phân đen (do bị xuất huyết nội tạng); Đau bụng, buồn nôn, chân tay lạnh, người vật vã, hốt hoảng… cần đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế để khám, điều trị.

Nếu thể nhẹ có thể chăm sóc tại nhà bằng cách: Cho người bệnh nằm nghỉ ngơi, uống nhiều nước, có thể cho uống dung dịch oresol, nước trái cây càng tốt. Ăn nhẹ: cháo, súp, sữa.

Dùng thuốc hạ sốt (uống paracetamol hoặc đặt viên hạ sốt vào hậu môn, theo chỉ định của bác sĩ, chườm mát.

Theo dõi liên tục, nếu thấy có bất kỳ dấu hiệu xuất huyết nào hoặc diễn biến nặng hơn (li bì, bứt rứt, vật vã, chân tay lạnh, đau bụng, nôn nhiều) cần đưa ngay đến bệnh viện để được xử trí kịp thời.

Theo Viện Sốt rét - Kí sinh trùng Trung Ương

 

 Thông tin hữu ích :

- Cẩn thận khi bệnh sốt xuất huyết vào mùa.

- Bạn biết gì về tiểu cầu.

- Lưu ý về chế độ ăn trong xuất huyết giảm tiểu cầu.

- Cách đo thân nhiệt cho trẻ

Đang tải...