Bạn biết gì về tiểu cầu?

Ngày cập nhật: 06/16/2014

Tiểu cầu là một trong 3 loại tế bào máu, tham gia vào quá trình đông máu của cơ thể. Tình trạng tăng hay giảm tiểu cầu đều có thể dẫn tới những tác động bất lợi, cần được chú ý quan tâm.

Tiểu cầu là một trong ba loại tế bào máu của cơ thể. Tiểu cầu được sinh ra từ tủy xương và có kích thước rất nhỏ. Tiểu cầu đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cơ thể cầm máu nhờ các tính chất đặc thù là tập trung thành từng đám dính chặt vào thành mạch nơi có tổn thương và thoái hóa các chất nhầy để giải phóng ra yếu tố làm đông máu, giúp cơ thể cầm máu và bảo vệ thành mạch không bị rò rỉ.

Lượng tiểu cầu trong máu bình thường ở mức 150.000-450 .000. Nếu ngoài khoảng này có thể gây ra tình trạng tăng tiểu cầu hoặc giảm tiểu cầu.

      

1.Giảm tiểu cầu

Nguyên nhân

Có hai nhóm nguyên nhân chính dẫn đến giảm tiểu cầu là tăng phá hủy tiểu cầu và giảm sinh tiểu cầu ở tủy xương.

Một số nguyên nhân gây suy giảm tiểu cầu như: bị nhiễm trùng nặng, nhiễm kí sinh trùng, nhiễm virus cúm, sởi, quai bị, viêm gan siêu vi, sốt xuất huyết… Các bệnh có lách to như xơ gan, cường lách.  Các bệnh tự miễn như Lupus ban đỏ, viêm nút động mạch, viêm đa khớp dạng thấp… Các bệnh về máu như suy tủy toàn bộ, xơ tủy, ung thư máu, ung thư hạch, ung thư tủy di căn, thiếu máu tiêu huyết tự miễn…

Bênh cạnh đó giảm tiểu cầu còn có thể do độc chất và một số loại thuốc như: thuốc an thần, thuốc hạ nhiệt, thuốc kháng sinh, một số loại thuốc cảm cúm…

Ngoài ra, một số bệnh nhân bị giảm tiểu cầu nhưng không xác định được nguyên nhân, hay còn được gọi là xuất huyết giảm tiểu cầu vô căn.

Triệu chứng

Giảm tiểu cầu sẽ gây ra các tình trạng xuất huyết.

Dấu hiệu chung nhất của bệnh là hội chứng chảy máu, đặc biệt là ở da và niêm mạc. Nếu bị chảy máu dưới da, người bệnh có thể xuất hiện các chấm, nốt hoặc mảng bầm máu tụ dưới da. Người bệnh cũng có các dấu hiệu chảy máu mũi, lợi chân răng.

Nặng hơn, người bệnh có thể bị xuất huyết nội tạng, xuất huyết não – màng não, xuất huyết phổi, xuất huyết tiêu hóa, tiết niệu, sinh dục (đa kinh, rong kinh). Khi bị xuất huyết, người bệnh cũng sẽ bị thiếu máu tương xứng với mức độ chảy máu.

                              

2. Tăng tiểu cầu :

Nguyên nhân :

-  Tăng tiểu cầu nguyên phát: Thường không rõ nguyên nhân hoặc do di truyền.

- Tăng tiểu cầu thứ phát: xảy ra khi có một bệnh lý nào đó( các bệnh ung thư: vú, phổi, ruột, buồng trứng), hoặc một tác nhân bên ngoài.

Những điều kiện hay yếu tố có thể gây tăng tiểu cầu gồm:

Thiếu máu thiếu sắt

• Thiếu máu tán huyết

• Không có lá lách (sau phẫu thuật cắt lách)

• Ung thư

• Viêm hoặc các bệnh truyền nhiễm như bệnh mô liên kết, bệnh viêm loét đại tràng (IBD), và bệnh lao

• Phản ứng với thuốc

Loãng xương

Triệu chứng :

Tăng tiểu cầu thường không có triệu chứng rõ rệt, thường được phát hiện khi bệnh nhân làm xét nghiệm công thức máu. Tình trạng tăng tiểu cầu có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, do có thể hình thành các cục máu đông di chuyển hoặc bám vào mạch máu, gây cản trở máu lưu thông. Khi đó, một số triệu chứng có thể xuất hiện như :

 + Đau đầu

+ Chóng mặt

+ Đau ngực

 + Tạm thời thay đổi tầm nhìn

+ Tê, ngứa ran bàn tay, bàn chân.

Do tiểu cầu có liên quan tới quá trình đông máu, tình trạng tăng hay giảm tiểu cầu đều không tốt cho cơ thể, có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong. Do đó, việc theo dõi công thức máu, trong đó có số lượng tiểu cầu cũng là một vấn đề cần quan tâm.


Thông tin hữu ích :

- Lưu ý về chế độ ăn trong xuất huyết giảm tiểu cầu.

- Thân nhiệt và cách đo thân nhiệt cho trẻ.

- Cẩn thận khi bệnh sốt xuất huyết vào mùa

 

Đang tải...