Cholesterol có hoàn toàn "xấu"?

Ngày cập nhật: 04/27/2015

Trong cơ thể, cholesterol liên kết với các loại lipoprotein tạo thành 2 loại : Cholesterol HDL - cholesterol "tốt" và Cholesterol LDL  - cholesterol "xấu". Tăng LDL cholesterol sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, đột quỵ, vữa xơ động mạch...

Ngày càng có nhiều người phải đối mặt với nguy cơ tăng mỡ máu, tăng cholesterol máu. Nhắc đến cholesterol, ai cũng nghĩ là xấu. Nhưng cholesterol có thực sự “xấu” như mọi người vẫn nghĩ?

Cholesterol sinh ra từ đâu?

Cholesterol được lấy từ 2 nguồn: cơ thể tự sản xuất ra và thức ăn chứa cholesterol. Trong cơ thể, cholesterol được sản xuất chủ yếu ở gan (80%); còn trong thức ăn, nó có nhiều ở thịt, sữa, lòng đỏ trứng, phủ tạng động vật (tim, gan, bầu dục) và gia cầm.

Bình thường, lượng cholesterol trong cơ thể luôn hằng định, do nguyên nhân nào đó, lượng cholesterol có thể tăng bất thường gây bất lơi cho cơ thể.

Cholesterol có hoàn toàn “xấu”?

Trong máu cholesterol liên kết với các phân tử lipoprotein, để có thể tham gia vào các quá trình khác nhau.

+ Cholesterol liên kết  LDL lipoprotein (lipoprotein tỷ trọng thấp) sẽ được vận chuyển từ gan tới các mô nên các mảng lắng đọng gây xơ vữa động mạch.

+ Trái lại, cholesterol liên kết với HDL lipoprotein (lipoprotein có tỷ trọng cao) sẽ được vận chuyển từ các mô ngoại vi tới gan để được dị hóa tại đó.

Như vậy, dường như LDL cholesterol có liên quan với quá trình gây xơ vữa động mạch, trái lại HDL cholesterol lại có liên quan với quá trình chuyển hóa mỡ.

                                       

+ HDL được gọi là “tốt” bởi nó giúp giữ cho LDL cholesterol không nằm bên trong những thành mạch máu. Do đó, nếu hàm lượng HDL này đủ cao, nó sẽ giúp chống lại những cơn nhồi máu cơ tim và đột quỵ. Hàm lượng HDL dưới 40mg/dL được coi là thấp và sẽ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Làm tăng hàm lượng HDL rất dễ, chỉ cần 150 phút vận động mỗi tuần với các bài tập aerobic. Đồng thời, giảm tiêu thụ các loại chất béo, có chế độ ăn uống cân bằng cũng là cách làm tăng hàm lượng HDL. Hút thuốc có thể làm giảm hàm lượng HDL.

+ LDL là loại cholesterol xấu bởi khi hàm lượng của LDL quá cao, nó có thể gây tắc nghẽn các mạch máu, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ. LDL được sản sinh ra bởi chính cơ thể chúng ta và bị ảnh hưởng phần nhiều bởi các gen di truyền. Ăn nhiều chất béo bão hoà, chất béo chuyển hoá và những thực phẩm nhiều cholesterol cũng làm tăng hàm lượng LDL.

Vai trò của cholesterol trong cơ thể ?

-       Tham gia vào quá trình tổng hợp màng tế bào, cách điện tế bào thần kinh não bộ.

-       Tham gia vào quá trình tổng hợp Vitamin D.

-       Hoặc là khởi điểm của quá trình tổng hợp các hormon sinh dục, các glucorticoid và corticoid chuyển hóa muối nước (mineralocorticoid) ở các tuyến thượng thận.

-       Hoặc lắng đọng tại thành mạch máu, gây mảng vữa xơ động mạch.

Mặc dù tất cả chúng ta đều biết cholesterol cao là không tốt cho sức khỏe, nhưng mặt khác, hàm lượng cholesterol rất thấp cũng có ảnh hưởng đến vấn đề sức khỏe. Điều quan trọng là lượng cholesterol trong cơ thể phải ổn định, bởi vì nếu mức cholesterol giảm xuống dưới 160mg/dL thì có thể làm tăng nguy cơ của một số bệnh như trầm cảm, ung thư và sinh non đối với phụ nữ đang mang thai.

Trong một nghiên cứu mới của Mỹ cho thấy, những người mắc bệnh ung thư thường có mức độ cholesterol LDL thấp hơn so với những người không bị ung thư.

Những người có lượng cholesterol trong máu thấp cũng dễ bị các bệnh nhiễm trùng khác nhau, mắc bệnh lâu hơn và có nhiều khả năng tử vong do nhiễm trùng.

Ngược lại, lượng cholesterol cao có thể gây ra nhiều chứng bệnh tim mạch, đột quỵ, nhồi máu cơ tim,...

Những dấu hiệu nhận biết cơ thể có hàm lượng cholesterol quá cao

Hầu như không có những dấu hiệu cụ thể của hiện tượng cholesterol quá cao này, do đó cách tốt nhất là thường xuyên đến cơ sở khám chữa bệnh để kiểm tra định lượng cholesterol máu.

 Một số yếu tố nguy cơ sau đây nên được lưu ý:

-       Gia đình có nhiều người bị huyết áp cao, cholesterol cao.

-       Nếu bạn béo phì, bạn cũng có nguy cơ cao.

-       Ít vận động. Người không hoạt động có nguy cơ gia tăng hàm lượng cholesterol trong máu. Tập thể dục thường xuyên tự nhiên làm giảm nồng độ cholesterol LDL (có hại) trong máu của bạn trong khi tăng mức cholesterol HDL (tốt).

-       Phụ nữ đã qua tuổi mãn kinh. Trước khi mãn kinh, estrogen giúp giữ cholesterol ở mức vừa phải, trong tầm cho phép. Tuy nhiên, khi bước sang giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, sự thay đổi hormone dẫn đến giảm chu kì kinh nguyệt sẽ làm cho lượng cholesterol xấu tăng mạnh.

-       Hút thuốc lá : người hút thuốc lá dễ bị tổn thương động mạch, làm giảm HDL (loại cholesterol tốt)

-       Tuổi trung niên: nguy cơ bị cao cholesterol tăng theo độ tuổi. Đàn ông trên 45 tuổi và phụ nữ trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn so với những người trẻ hơn.

Với những trường hợp trên, hãy thường xuyên đi xét nghiệm máu tại các bệnh viện nhằm phát hiện kịp thời, và thay đổi chế độ ăn của bạn ngay từ hôm nay để đảm bảo sự hằng định của lượng cholesterol trong cơ thể.

Đang tải...