Bao cấp điện bằng tiền mặt cho người nghèo

Ngày cập nhật: 04/03/2013

Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo (bằng tiền mặt), nếu không dùng hết, được giữ lại số tiền mặt.

Đây là thông tin được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đưa ra tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều ngày 28/8.

Tại phiên họp báo, nhiều câu hỏi xung quanh vấn đề điều chỉnh giá điện được PV gửi đến người phát ngôn của Chính phủ, nhất là việc tăng giá bán lẻ điện 5% ngày 1/8 vừa qua.

Cụ thể, PV đặt vấn đề: Trong họp báo lần trước cách đây một tháng (30/7) khi trả lời về giá điện, Bộ trưởng nói vẫn theo lộ trình tăng giá, có thể EVN nên hỏi ý kiến người dân trước khi tăng. Tuy nhiên, hôm sau giá đã tăng trước sự bất ngờ của báo chí và dư luận. Giá cả lần này cũng là một chủ đề được bàn trong họp Chính phủ và có nên lo ngại sắp tăng giá không?

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, đợt tăng giá hôm 1/8, Bộ Công Thương thừa nhận chưa làm tốt tuyên truyền giải thích. Bộ sẽ rút kinh nghiệm nghiêm túc để làm tốt hơn trong thời gian tới.

Bao cấp điện bằng tiền mặt cho người nghèo - 1

Chính phủ vẫn bao cấp một số lượng điện nhất định cho người nghèo (bằng tiền mặt), nếu không dùng hết, được giữ lại số tiền mặt.

Theo Bộ trưởng Đam, lộ trình điều chỉnh giá điện là chủ trương chung của Chính phủ. Bộ Công Thương cũng như Chính phủ đã nói tới nhiều lần. Lộ trình tăng giá theo quy định chặt chẽ, trong đó có một Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ trường hợp được tăng.

Cụ thể, quy định: Lần tăng này cách lần trước ít nhất 3 tháng; mức tăng 5% trở  xuống thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Công Thương.

“Không biết có sự trùng lặp nào không, nhưng từ năm 2012 đến nay, qua 3 lần tăng giá, mức tăng đều đúng 5%, thuộc thẩm quyền của Bộ Công Thương”, ông Đam nói.

Bộ trưởng cho biết thêm, trong cuộc họp Chính phủ tháng 8 vừa diễn ra, Thủ tướng Chính phủ cũng đề cập đến lộ trình điều chỉnh giá điện. Nhưng có chính sách kèm theo cho người nghèo, đối tượng chính sách... và tuyên truyền giải thích cho nhân dân.

Bộ trưởng lấy ví dụ,  hiện nay, nói số tròn là khoảng 2% hộ nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, 14% hộ tạm gọi là gần nghèo (không hẳn cận nghèo theo định nghĩa của Bộ LĐTBXH) tiêu thụ dưới 100 số điện. Ngoài ra, có một phần (khoảng 6-7%) đối tượng thầu điện ở địa phương (những thành phần kinh tế tư nhân đầu tư hạ tầng, sau đó mua điện và bán điện cho dân)...  trong lần điều chỉnh vừa rồi vẫn được bán dưới giá thành. Hay nói cách khác, vẫn được bao cấp.

“Tôi xin nói rằng, từ trước tới nay tất các hộ dân nghèo tiêu thụ dưới 50 số điện, Chính phủ bao cấp hoàn toàn. Bao cấp ở đây là cho tiền mặt, ai không dùng hết thì giữ lại số tiền mặt. Dù có điều chỉnh thế nào, người nghèo vẫn được hỗ trợ”, ông Đam nói.

Người phát ngôn Chính phủ cho biết thêm, bên cạnh đó hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo, Chính phủ tiếp tục nghiên cứu chính sách khuyến khích người dân sử dụng được trang thiết bị điện, cụ thể là bóng đèn tiết kiệm điện.

Theo bộ trưởng, đây là hướng tiếp tục, cụ thể điều hành giá điện thế nào, vào lúc nào, phải có lộ trình  cụ thể.

“Tới đây, giá điện cũng như xăng dầu, Chính phủ chỉ đạo phải công khai, minh bạch với dân, vì chúng ta làm tất cả cũng là lo cho nền kinh tế và cho dân” người phát ngôn Chính phủ nói.

Dương Tùng (Khampha.vn)
Đang tải...