Giỏ hàng trống
Những thắc mắc thường gặp về bệnh sởi và vaccine sởi
Bệnh sởi lây qua đường nào? Ai có nguy cơ mắc sởi ? Đã tiêm vaccine sởi có thể mắc sởi nữa không? Đã mắc sởi rồi có mắc lại không? Phụ nữ đang cho con bú có tiêm vaccine sởi được không? Không tiêm vaccine sởi trong những trường hợp nào? Tiêm vaccine sởi có tác dụng phụ không?....Dưới đây là câu trả lời cho những thắc mắc rất thường gặp của người dân về bệnh sởi và vaccine sởi, đặc biệt trong thời gian bệnh dịch đang diễn biến phức tạp.
NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ BỆNH SỞI VÀ VACCINE SỞI
Phần 1: Bệnh sởi
1. Bệnh sởi nguy hiểm như thế nào?
- Trên thế giới trước khi có vắc xin, hàng năm bệnh sởi gây ra khoảng 2,6 triệu ca tử vong. Đến nay, sởi vẫn là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch và là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi. Năm 2010, trên thế giới cứ mỗi 4 phút có một người chết vì bệnh sởi.
- Tại Việt Nam, sởi là bệnh truyền nhiễm phổ biến mặc dù tỷ lệ mắc bệnh đã giảm mạnh so với trước khi triển khai vắc xin.
- Mù lòa, tiêu chảy cấp, viêm phổi, viêm não... là các biến chứng nguy hiểm sau mắc sởi có thể dẫn đến tàn phế, tử vong đặc biệt ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng, mắc HIV/AIDS hoặc các bệnh suy giảm miễn dịch bẩm sinh. Mắc sởi khi mang thai có thể gây ra xảy thai, đẻ non.
2.Bệnh sởi lây truyền qua đường nào?
- Bệnh sởi do vi rút sởi gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do ho, hắt hơi, tiếp xúc gần với người bị nhiễm hoặc dịch tiết mũi họng. Giai đoạn gây lây nhiễm xảy ra từ 4 ngày trước đến 4 ngày sau phát ban.
- Vi rút sởi lây lan mạnh trên diện rộng nên có thể gây dịch lớn. Một người mắc có thể gây lây nhiễm cho khoảng 20 người khác.
- Là bệnh lây nhiễm người – người. Không ghi nhận bệnh sởi ở động vật.
3.Có phải bị nhiễm vi rút sởi thì sẽ mắc bệnh sởi không?
- Đúng. Không có trường hợp người lành mang vi rút.
- Những người đã có miễn dịch với vi rút sởi do tiêm vắc xin sởi trước đó hoặc đã từng mắc sởi sẽ không bị mắc bệnh nữa.
4.Những ai có nguy cơ mắc bệnh sởi?
- Tất cả những người chưa có miễn dịch với sởi đều có nguy cơ mắc bệnh.
- Tại Việt Nam, nhóm có nguy cơ mắc sởi là (i) trẻ nhỏ do không còn miễn dịch từ mẹ truyền sang nhưng chưa được tiêm vắc xin (ii) trẻ đã tiêm vắc xin nhưng chưa có đáp ứng miễn dịch (iii) thanh niên do chưa từng mắc sởi hoặc tiêm vắc xin trước đây. Do vậy, các nhóm đối tượng này cần được bảo vệ bằng tiêm vắc xin sởi.
- Việc ngừng cung cấp dịch vụ tiêm chủng do bất kỳ nguyên nhân nào, sống ở nơi có mật độ dân số quá đông cũng là những yếu tố làm tăng cao nguy cơ mắc sởi.
5.Bệnh có biểu hiện như thế nào?
- Trong vòng 7-21 ngày sau tiếp xúc, bệnh nhân có các triệu chứng sốt cao, ho, hắt hơi.
- Giai đoạn toàn phát, phát ban sẩn, mịn như nhung, không có nước. Ban mọc theo thứ tự từ đầu, cổ, thân mình rồi đến tay, chân. Ban bay theo trình tự như trên
- Sau mắc sởi, do sức đề kháng của cơ thể suy giảm, bệnh nhân dễ bị biến chứng.
6.Chẩn đoán bệnh bằng phương pháp gì?
- Chẩn đoán dựa vào xét nghiệm huyết thanh là phương pháp chính xác nhất. Cần lấy 3ml máu của bệnh nhân trong khoảng 28 ngày kể từ khi phát ban để tìm kháng thể IgM. Nếu kết quả dương tính chứng tỏ bệnh nhân đã mắc sởi.
- Bên cạnh đó, có thể chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và các thông tin tiếp xúc với nguồn lây.
7.Làm thế nào để phòng bệnh sởi?
- Tiêm vắc xin sởi là biện pháp tốt nhất chủ động phòng bệnh sởi.
- Khi có ca mắc sởi, cần cách ly bệnh nhân, hạn chế tiếp xúc đến 4 ngày sau khi phát ban. Tẩy trùng, thông thoáng nơi ở, làm việc.
- Khi có dịch, cần hạn chế tập trung đông người.
- (Còn tiếp - Phần 2 : Vaccine sởi)
- Chương trình tiêm chủng mở rộng
- Viện Vệ sinh dịch tễ Trung Ương
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (04/20/2014)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (04/20/2014)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (04/20/2014)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (04/20/2014)
- Những điều cần biết về đường huyết (04/20/2014)