Những thắc mắc về việc tiêm vaccine cho trẻ

Ngày cập nhật: 03/09/2015

Hiện nay, các bậc phụ huynh đã quan tâm hơn đến việc tiêm chủng ngừa cho trẻ. Chắc chắn rằng bậc phụ huynh nào cũng đã tham khảo rất kỹ về các lịch tiêm chủng ngừa cho trẻ, theo độ tuổi, sức khỏe, ... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn một số mối lo ngại và lúng túng của phụ huynh về những thông tin ngoài lề về việc chích ngừa cho trẻ. Dưới đây là một số thắc mắc về việc tiêm chủng ngừa cho trẻ khá phổ biến hiện nay.

1.Câu hỏi: Nhiều phụ huynh hiện tại khá bận rộn với lịch làm việc, nên thường không tiêm đầy đủ các loại chủng ngừa cho trẻ. Tuy nhiên, khi các bậc phụ huynh được đề nghị chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc thì phần lớn họ đều e ngại là không an toàn cho trẻ, sợ sức khỏe và cơ thể trẻ không chịu được nhiều loại vắc-xin cùng một lúc.

Trả lời: Không có chống chỉ định đối với chích đồng thời các loại vắc-xin.

Nghiên cứu cho thấy cơ thể của trẻ, ngay cả trẻ sơ sinh, có thể dung nạp nhiều loại vắc-xin cùng một lúc. Chích nhiều loại vắc-xin cùng một lúc vẫn an toàn, ngay cả đối với trẻ sơ sinh. Nhờ các tiến bộ trong khoa học, hiện nay có nhiều vắc-xin hơn vài năm trước đây, chúng ta có thể bảo vệ trẻ chống lại nhiều bệnh hơn bao giờ hết.

Lợi ích của chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc là muốn chủng ngừa cho trẻ càng nhanh càng tốt để bảo vệ trẻ trong những tháng đầu của cuộc sống. Chích nhiều mũi cùng lúc có nghĩa là số lần đưa trẻ đi chích ngừa ít hơn, điều này tiết kiệm cả thời gian và tiền bạc cho cha mẹ. Ngoài ra, trẻ đau và khóc một lần còn hơn là đau và khóc nhiều lần, bé sẽ có ấn tượng về chích ngừa. Hơn nữa, ở Việt Nam, chuyện hết vắc-xin có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Do đó, chích nhiều mũi vắc-xin cùng lúc cũng giúp cho bé được chích đầy đủ vắc-xin và không bị thiếu vắc-xin khi thuốc hết.

Một số cha mẹ lo lắng rằng chích quá nhiều loại vắc-xin cùng một lúc sẽ “áp đảo” hệ thống miễn dịch của con mình. Nhưng cơ thể của trẻ chống lại vi trùng mỗi ngày, hệ thống miễn dịch của trẻ sẵn sàng và giữ cho trẻ khỏe mạnh!

Nhũ nhi và trẻ em tiếp xúc với nhiều vi trùng hàng ngày khi chơi, ăn uống, và thở. Hệ thống miễn dịch chống lại vi trùng, còn gọi là kháng nguyên, để giữ cho cơ thể khỏe mạnh. Lượng kháng nguyên mà trẻ em chiến đấu mỗi ngày (2,000-6,000) là nhiều hơn so với các kháng nguyên trong các mũi vắc xin phối hợp hay khi chích cùng lúc quá nhiều mũi vắc-xin. Vì vậy, hệ thống miễn dịch của trẻ em không bị “choáng ngợp” bởi nhiều vắc-xin.

Vắc-xin phối hợp bảo vệ con bạn chống lại được nhiều bệnh, giảm số mũi chích ngừa.

2.Câu hỏi: Tôi nghe nói rằng một số vắc xin có thể gây ra chứng tự kỷ. Điều này có đúng không?

Trả lời: Không đúng

Khoa học nghiên cứu và đánh giá là không có mối quan hệ giữa vắc-xin và bệnh tự kỷ. Nhóm các chuyên gia, bao gồm Hội nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) và Viện Y khoa (IOM), cũng đồng ý rằng vắc-xin không chịu trách nhiệm về số trẻ em có chứng tự kỷ.

3.Câu hỏi: Con tôi đang bị bệnh, có chích ngừa được không?

Trả lời: Có, thông thường, trẻ em có thể được chích ngừa ngay cả khi trẻ có một bệnh nhẹ như đau tai, cảm lạnh, sốt nhẹ, hoặc tiêu chảy.

Nếu bác sĩ khám và nói rằng con bạn có thể chích ngừa được thì bạn có thể yên tâm cho trẻ chích ngừa. Mặt khác, nếu con bạn đi khám vì một bệnh nào đó, mà bệnh đó không nghiêm trọng hoặc đó là lúc bệnh đang giai đoạn hồi phục, bác sĩ có thể đề nghị chích ngừa cho bé những vaccine còn thiếu.

4.Câu hỏi: Khoảng cách giữa 2 lần chích ngừa là bao lâu? Nếu trễ 1 mũi thì sao?

Trả lời: Không có khoảng thời gian tối thiểu giữa các liều vắc-xin bất hoạt khác nhau. (Vắc-xin bất hoạt như: vắc-xin bạch hầu, uốn ván, ho gà, bại liệt, Hib, viêm gan A, B, não mô cầu, viêm não Nhật Bản B…)

- Tuy nhiên, có khoảng thời gian tối thiểu giữa các vắc-xin cùng loại. Ví dụ: 2 mũi viêm gan A cách nhau ít nhất 6 tháng. Viêm não Nhật Bản B, mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tuần, mũi thứ ba cách mũi thứ nhất 1 tháng hoặc 1 năm đều được.

Vắc-xin sống như Sởi-Quai bị-Rubella, Trái rạ, Lao, Bại liệt uống (OPV) nếu không được chủng ngừa cùng lúc thì phải cách nhau ít nhất 4 tuần.

Bất cứ trình tự thời gian giữa các vắc-xin sống và vắc-xin bất hoạt, hoặc vắc-xin sống đường uống và bất cứ loại vắc-xin khác, đều chấp nhận được.

Nếu chích ngừa trễ, không cần phải bắt đầu lại từ đầu, chích mũi bị trễ và tiếp tục các mũi theo lịch. Nói cách khác, chỉ áp dụng khoảng thời gian tối thiểu giữa 2 mũi cùng loại mà không cần tính thời gian tối đa.

5.Câu hỏi: Trẻ không rõ đã mắc bệnh, hay không rõ chích ngừa bệnh đó hay chưa, nếu chích ngừa lại, thì có hại gì không?

Trả lời: Không có hại.

Ví dụ: Nếu không rõ đã mắc bệnh thủy đậu hoặc chích ngừa thủy đậu hay chưa, thì nên Chích ngừa!

Đối với một số bệnh, chích ngừa được chỉ định ngay cả khi người đã có bệnh, ví dụ: trẻ em <2 tuổi nhiễm Hib (nhiễm trùng không gây miễn dịch hiệu quả).

Thuốc chủng ngừa cúm nên chích mỗi năm cho dù trẻ có mắc bệnh cúm trong quá khứ.

Ngoại lệ: Polysaccharide phế cầu khuẩn và BH-UV-HG, các phản ứng phụ nhiều hơn khi liều lượng ngày càng tăng, ví dụ những mũi vắc-xin BH-UV-HG sau dễ tạo một cục sưng ở chỗ chích hơn mũi đầu.

6.Câu hỏi: Trẻ chích ngừa viêm gan A mũi 1 của công ty GSK, giờ chích mũi 2 mà hết thuốc, có chích thuốc của công ty khác được không?

Trả lời là: Được.

Vắc xin của các nhà sản xuất khác nhau có thể được hoán đổi cho nhau.

BS Nguyễn Trí Đoàn


Thông tin tham khảo :

- Lịch tiêm chủng quốc gia mà các cha mẹ phải biết

- Chi tiết đường dây nóng giải đáp thắc mắc chiến dịch tiêm vaccine sởi - rubella

Đang tải...