Giỏ hàng trống
Khi nào cần cắt amidan?
Viêm amidan là một bệnh thường gặp ở cả người lớn và trẻ em. A-mi-đan có nhiệm vụ bắt giữ, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường ăn, đường thở, đồng thời cũng tạo ra một số chất bảo vệ cơ thể. Do đó, không phải mọi trường hợp viêm đều nên cắt amidan.
Viêm a-mi-đan là một trong những bệnh tai mũi họng thường gặp ở trẻ em và người lớn. Viêm a-mi-đan có thể là viêm cấp, viêm tái phát cấp hoặc viêm mạn tính. A-mi-đan có nhiệm vụ bắt giữ, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh xâm nhập cơ thể qua đường ăn, đường thở, đồng thời cũng tạo ra một số chất bảo vệ cơ thể, chất đó được gọi là kháng thể, giúp cơ thể đề kháng lại một số vi sinh vật gây bệnh. Quá trình đáp ứng miễn dịch này xảy ra rất mạnh trong 7 năm đầu của đời người, nhất là từ 2 đến 6 tuổi. Vì thế không phải “hễ cứ viêm là cắt” và nên tôn trọng vai trò miễn dịch của a-mi-đan. Trái lại, khi có chỉ định cắt a-mi-đan chớ phân vân với lý do là “sợ giảm sức đề kháng”.
Viêm a-mi-đan cấp: Nhiều biến chứng
Trẻ nhỏ khi bị viêm a-mi-đan thường do các siêu vi khuẩn gây nên. Ở trẻ lớn và người lớn, vi khuẩn gây bệnh thường gặp tên là liên cầu trùng tan huyết bê-ta nhóm A, đây cũng là nguyên nhân gây sốt thấp khớp cấp có thể làm tổn thương van tim và cầu thận.
Viêm a-mi-đan cấp thường làm người bệnh sốt cao, ớn lạnh, đau họng, vướng họng, ăn uống khó khăn, hơi thở hôi, sưng đau hạch dưới hàm, hạch cổ trước, nhức đầu, mệt mỏi, đau nhức các bắp thịt toàn thân và xương khớp… Nếu không được điều trị kịp thời có thể bị các biến chứng như viêm tấy quanh a-mi-đan, mưng mủ quanh a-mi-đan làm cho người bệnh nuốt đau dữ dội, há miệng hạn chế do bị khít hàm. Trẻ em khi bị viêm a-mi-đan có thể bị biến chứng viêm tai giữa, viêm mũi xoang, viêm thanh quản, viêm khí - phế quản… Đặc biệt, viêm a-mi-đan do liên cầu trùng có thể gây biến chứng sốt thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận, nhiễm trùng máu, trẻ sốt cao, tiểu ít, khó thở, tụt huyết áp, suy thận, suy hô hấp, ngưng thở.
Nên cắt khi a-mi-đan sưng to
Viêm a-mi-đan tái phát cấp là một đợt viêm a-mi-đan được lặp lại sau một giai đoạn người bệnh không có triệu chứng gì cả. Chúng ta có thể nhìn thấy 2 a-mi-đan sưng to và tấy đỏ. Trên nền tấy đỏ đó có nhiều đốm màu trắng ngà hoặc vàng xỉn, đó là chất bã đậu trong các hốc của a-mi-đan tiết ra, chất này làm cho hơi thở của người bệnh trở nên nặng mùi.
Viêm a-mi-đan mạn tính là tình trạng nhiễm trùng tiềm tàng, dai dẳng của a-mi-đan và dễ bị tái phát. Thể bệnh này thường gặp ở người lớn và trẻ lớn, triệu chứng “nghèo nàn”. Người bệnh chỉ than phiền nóng rát họng, nuốt vướng, hôi miệng, đau tai, sờ thấy hạch cổ, hạch dưới hàm, hạch góc hàm và mệt mỏi. Viêm a-mi-đan mạn tính ở trẻ em thường làm a-mi-đan to, có thể gây ngủ ngáy to, có những cơn ngừng thở trong lúc ngủ, giọng nói đục hoặc ồm ồm, nuốt khó, nghẹn họng và dễ bị ọc, ói, nếu không được xử trí sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và tinh thần của trẻ.
Viêm a-mi-đan nên bắt đầu điều trị bằng thuốc trong trường hợp viêm a-mi-đan cấp, viêm a-mi-đan tái phát cấp. Cắt a-mi-đan là phương pháp điều trị hữu hiệu khi đúng chỉ định, khi mà nó trở thành một “lò viêm” hoặc chứa đầy các mầm bệnh hoặc a-mi-đan quá to gây bít tắc đường thở, đường ăn hoặc nghi ngờ ung thư a-mi-đan.
Các trường hợp nên cắt a-mi-đan
- A-mi-đan to gây bít tắc đường thở, đường ăn.
- Nghi ngờ ung thư a-mi-đan.
- Viêm a-mi-đan tái phát cấp hơn 6 lần/năm hoặc 3 lần mỗi năm trong 2 năm.
- Viêm a-mi-đan tái phát cấp do liên cầu trùng ở người có kèm bệnh van tim hậu thấp hoặc ở trẻ có tiền sử bị sốt cao co giật.
- Viêm a-mi-đan mạn hoặc viêm a-mi-đan tái phát cấp ở người mang mầm bệnh liên cầu trùng mà không đáp ứng với thuốc.
- Viêm a-mi-đan mạn đã được điều trị nội khoa tích cực nhưng vẫn đau họng dai dẳng, viêm đau hạch cổ, hơi thở hôi.
- Mưng mủ quanh a-mi-đan ít nhất một lần phải nhập viện điều trị.
- Viêm a-mi-đan gây biến chứng viêm cầu thận hoặc gây mưng mủ hạch cổ.
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (03/21/2015)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (03/21/2015)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (03/21/2015)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (03/21/2015)
- Những điều cần biết về đường huyết (03/21/2015)