Cập nhật tình hình dịch bệnh do Ebola đến ngày 25/10

Ngày cập nhật: 10/26/2014

Theo thông tin của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) dịch bệnh do vi rút Ebola tiếp tục diễn biến gia tăng tại tại Tây Phi. Ngày 23/10/2014, Mali đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola sau khi trở về từ Guinea. Tại Mỹ cũng ghi nhận thêm 01trường hợp mắc Ebola là bác sỹ của Tổ chức Thầy thuốc không biên giới từ Guinea trở về.

Ngày 24/10/2014, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo Bộ Y tế Mali đã xác định trường hợp nhiễm Ebola đầu tiên tại nước này. Mẫu xét nghiệm có kết quả dương tính với vi rút Ebola.

Bệnh nhân này là một bé gái 2 tuổi từ Guinea trở về Mali cùng bà ngoại và đã được nhân viên y tế khám, kiểm tra sức khỏe vào ngày 20/10/2014 tại Quartier Plateau ở thành phố  Kayes phía Tây Mali. Thành phố này có khoảng 128.000 dân và nằm gần biên giới giữa Mali và Senegal.

Cháu bé đã có các triệu chứng: sốt 39°C, ho, chảy máu mũi và đi ngoài ra máu. Nhân viên y tế đã chuyển bệnh nhân và bà ngoại của cháu tới Bệnh viện Fousseyni Daou ở cùng thành phố để theo dõi. Kết quả xét nghiệm ban đầu âm tính với sốt rét nhưng dương tính với thương hàn. Bệnh nhân đã được điều trị bằng paracetamol nhưng các triệu chứng không thuyên giảm. Ngày 23/10/2014, bệnh nhân tiếp tục được xét nghiệm Ebola tại Phòng xét nghiệm SEREFO và có kết quả dương tính.

Kết quả điều tra dịch tễ trường hợp này cho thấy đứa trẻ và bà ngoại cháu đã đi từ Mali để tham dự một đám tang tại Guinea. Tuy nhiên WHO đang xác định thông tin cho rằng đứa trẻ này và bà ngoài đã đi sang Guinea để dự lễ tang của mẹ cháu đã tử vong do Ebola. Ngày 19/10/2014, hai bà cháu trở về từ Guinea bằng phương tiện công cộng. Trước đó tại Guinea, cháu bé đã có biểu hiện triện chứng chảy máu mũi, như vậy có nhiều nguy cơ lây nhiễm ra xung quanh.

Trước tình hình đó, WHO đang khẩn trương triển khai các biện pháp để ứng phó với trường hợp này tại Mali. Chính phủ Mali cũng đã nâng mức cảnh báo cao. Bệnh nhân đã được đưa vào cách ly tại bệnh viện. Tại đây, nhân viên các y tế đã được tập huấn để quản lý và điều trị cho bệnh nhân này. Kết quả điều tra ban đầu cho thấy có 43 người tiếp xúc gần trong đó có 10 nhân viên y tế đã được theo dõi và cách ly.

Mali đã đề nghị WHO, CDC hỗ trợ về tập huấn phòng chống nhiễm khuẩn, cung cấp trang thiết bị phòng hộ cá nhân và trợ giúp để sàng lọc các trường hợp có tiếp xúc gần cũng như điều tra dịch tễ.

Cũng trong cùng ngày 24/10, Thành phố New York – Mỹ ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm Ebola. Tờ Báo điện tử “The Guardian” đã đưa tin  bác sỹ Craig Spencer 33 tuổi người Mỹ đã có xét nghiệm dương tính với vi rút Ebola và đang được cách ly điều trị tại Bệnh viện Bellevue ở Thành phố New York. Bác sỹ Craig Spencer đang làm cho Tổ chức Bác sỹ không biên giới tại Tây Phi và đã trở về từ Guinea ngày 17/10/2014.

Trước khi có biểu hiện triệu chứng bệnh, Craig Spencer đã sử dụng phương tiện công cộng tàu điện ngầm để đi lại trong thành phố, tới chơi bowling tại khu thể thao của thành phố. Craig Spencer đã có biểu hiện triệu chứng sốt 38oC và đã thông báo cho Cơ quan y tế thành phố New York và được chuyển tới Bệnh viện Bellevue, đây là bệnh viện được chỉ định để điều trị bệnh nhân Ebola.

Giới chức chính quyền và ngành y tế New York khẳng định rằng, người dân New York tại đây vẫn an toàn và rất khó có thể bị lây nhiễm Ebola do phải có tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân hoặc các dịch tiết của người bệnh.

Như vậy, Tích lũy từ tháng 12/2013 đến ngày 25/10/2014, Thế giới đã ghi nhận 10.208 trường hợp mắc tại 9 quốc gia, trong đó 4.971trường hợp tử vong.

  1. Thống kê chi tiết:
  • Guinea:  1.553 trường hợp mắc, trong đócó 926 trường hợp tử vong
  • Liberia:  4.665 trường hợp mắc, 2.705 trường hợp tử vong
  • Sierra Leone:  3.896 trường hợp mắc, 1.281trường hợp tử vong
  • Mali:  01 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong
  • Nigeria:    20 trường hợp mắc, 08 trường hợp tử vong
  • Senegal:     01 trường hợp mắc, 0 trường hợp tử vong
  • D.R.Congo:    67 trường hợp mắc, 49 trường hợp tử vong
  • Mỹ:   04 trường hợp mắc, 01 trường hợp tử vong
  • Tây Ban Nha:    01 trường hợp mắc, 0 trường hợp tử vong

2. Trong tổng số trường hợp mắc Ebola có 458 trường hợp là cán bộ y tế, trong đó có 252 trường hợp tử vong. 

3. WHO thông báo Senegal và Nigeria đã trên 42 ngày qua không ghi nhận trường hợp mắc mới Ebola.

4. Trường hợp nhiễm Ebola tại Tây Ban Nha: Sau khi được điều trị, bệnh nhân đã được xét nghiệm 02 lần liên tiếp và cách nhau 02 ngày (ngày 19/10/2014 và 21/10/2014), kết quả xét nghiệm đều âm tính với Ebola.

Cơ quan Đầu mối IHR, Văn phòng EOC, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế.

 

 

 

Đang tải...