Giỏ hàng trống
Những xét nghiệm chẩn đoán ung thư sớm
Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tất cả các loại ung thư đều ít nhiều có “dấu vết”, hoặc thậm chí là “mùi”, giúp cho chúng ta có thể phát hiện sớm được bệnh.
Phát hiện sớm bệnh ung thư là rất quan trọng, nhưng để thực hiện được điều này, đặc biệt khi bệnh chưa xuất hiện triệu chứng là một thách thức. Hiện nay, các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đang thử nghiệm các phương pháp đơn giản để phát hiện những “dấu hiệu” tiềm ẩn của các loại ung thư, gồm:
• Ung thư vú
• Ung thư đại trực tràng
• Ung thư phổi
• Ung thư tụy
• Ung thư miệng
• Các ung thư khác
Cho tới nay, một số xét nghiệm đã có mặt trên thị trường.
Bác sỹ Ted Gansler, Giám đốc chương trình y tế thuộc Hiệp hội Ung thư Mỹ, cho biết "Trong vài thập kỷ qua, các nhà khoa học đã hiểu biết thêm rất nhiều về những thay đổi ở mức tế bào và phân tử giúp phát hiện ung thư từ các mô bình thường. Hầu hết các chuyên gia về lĩnh vực sàng lọc và chẩn đoán ung thư rất quan tâm tới những phát hiện này với mục đích cuối cùng là nhằm làm giảm tử vong do ung thư".
Dưới đây là một số phương pháp phát hiện ung thư ấn tượng và có ý nghĩa rất lớn đối với sức khỏe của con người:
Phát hiện ung thư qua xét nghiệm hơi thở
Hơi thở của bạn có thể tiết lộ nhiều manh mối về sức khỏe của bản thân và không chỉ đơn giản cho biết bạn có đánh răng gần đây hay không. Hơi thở có chứa hàng trăm hóa chất khác nhau, được gọi là các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC).
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng hơi thở của những người bị ung thư phổi và ung thư vú có sự khác biệt về "mùi" hoặc VOC so với hơi thở của những người không bị các bệnh ung thư này.
Các thực nghiệm labo và hiểu biết nhiều về hóa sinh ung thư đã giúp mở đường cho những phát hiện này. Nhưng một số người cho rằng cũng nên giành chút phần thưởng xứng đáng cho những chú chó.
Nhiều thập kỷ trước, đã có một vài báo cáo truyền miệng về việc những chú chó phát hiện ra bệnh ung thư của chủ nhân. Gansler cho biết “Kể từ đó, ngày càng có nhiều nghiên cứu khoa học xác thực tính chính xác của những chú chó trong việc phát hiện ra những hóa chất sinh ra từ căn bệnh ung thư". Trong đó gồm có ung thư đại tràng, ung thư vú, ung thư bàng quang, ung thư buồng trứng, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư phổi,...
Ngày nay, các thử nghiệm lâm sàng đang được tiến hành để tìm hiểu xem liệu các “cảm biến hơi thở” và “mũi nhân tạo” dựa trên nghiên cứu “khả năng đánh hơi của chó” có thể giúp phát hiện chính xác ung thư phổi hay không.
Bác sỹ Peter Mazzone, Giám đốc của Chương trình ung thư phổi tại Bệnh viện hô hấp Cleveland, đã nghiên cứu về xét nghiệm hơi thở và nước tiểu trong bệnh ung thư phổi với kết quả rất đáng khích lệ. Ông cho biết: "Kết quả của chúng tôi cho thấy độ chính xác khoảng 85% trong việc phát hiện bệnh ở những người có nguy cơ cao".
Cũng theo Mazzone, các xét nghiệm khá đơn giản và không gây ảnh hưởng tới sức khỏe. Bạn chỉ cần thở ra và các cảm biến trong thiết bị sẽ thu nhận “dấu vết hơi thở” đặc trưng của bạn. Các mùi trong mẫu hơi thở được thu nhận bởi hệ thống này và thay đổi màu sắc khi tiếp xúc với hóa chất đặc hiệu.
Hossein Borghaei, Trưởng Khoa ung thư ngực tại Trung tâm ung bướu Fox Chase ở Philadelphia, nơi mà thử nghiệm lâm sàng xét nghiệm hơi thở xác định bệnh ung thư phổi đang được thực hiện, cho biết: "Việc phát hiện ra bệnh một cách dễ dàng là chìa khoá. Thu thập hơi thở là rẻ và có thể áp dụng với cộng đồng lớn một cách nhanh chóng và với chi phí thấp”.
Theo nghiên cứu được công bố trực tuyến trên số tháng 3 năm 2014 của tạp chí PLoS One, xét nghiệm hơi thở cũng có thể giúp phát hiện ung thư vú sớm hoặc giúp khẳng định hình ảnh nhũ quang bất thường.
Đồng tác giả nghiên cứu, bác sỹ J. David Beatty, giám đốc y tế của Chương trình tin sinh học và lâm sàng tại Viện nghiên cứu Ung thư Thụy Điển ở Seattle, cho biết: “việc kiểm tra VOC ở những phụ nữ không biểu hiện rõ triệu chứng sẽ giúp tìm ra ung thư vú sớm hơn và dẫn đến cải thiện kết quả điều trị”. Nhưng ông cũng lưu ý rằng, vẫn còn quá sớm để cân nhắc tới xét nghiệm này có thể thay thế hình ảnh nhũ quang.
Phát hiện ung thư qua xét nghiệm nước bọt
Bên cạnh “mùi” của hơi thở, bản thân miệng từ lâu đã được coi là “cửa ngõ” đối với sức khỏe của con người. Vi khuẩn trong miệng không chỉ gây ra sâu răng và bệnh về lợi, chúng còn có thể liên quan tới một số ung thư, bao gồm cả ung thư tụy, là loại ung thư thường không được phát hiện cho đến khi bệnh đã tiến triển muộn.
Một miếng gạc thấm nước bọt đơn giản có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư tụy. Nghiên cứu được báo cáo tại Hội nghị thường niên của Hiệp hội Vi sinh vật Mỹ vào mùa xuân 2014 cho thấy những người bị ung thư tụy có nhiều loại vi khuẩn trong nước bọt khác biệt so với những người không bị ung thư hoặc những người bị bệnh tụy khác.
Bác sỹ Michael Bouvet, đồng giám đốc của Đơn vị ung thư tiêu hoá thuộc Trung tâm ung thư Moores Đại học California San Diego, đã tham gia vào thử nghiệm lâm sàng xét nghiệm nước bọt chẩn đoán ung thư tụy và ông hy vọng nghiên cứu này sẽ dẫn đến một biện pháp dễ dàng hơn để theo dõi những người có nguy cơ bị ung thư tụy.
Ông cho biết: "Chúng tôi đang thu nhận được một số kết quả đầy hứa hẹn. Dữ liệu sơ bộ của chúng tôi cho thấy nước bọt của bệnh nhân ung thư tụy có nồng độ một số vi khuẩn thấp hơn, và nồng độ một số vi khuẩn khác cao hơn bình thường”.
Thử nghiệm lâm sàng cũng đã được thực hiện hoặc đang được tiến hành nhằm tìm hiểu xem liệu các xét nghiệm nước bọt có thể được sử dụng để chẩn đoán hoặc phát hiện nguy cơ ung thư miệng ở người hay không.
Phát hiện ung thư qua xét nghiệm máu, phân
Tất cả các ung thư đều “phóng thích” ADN vào máu. Nhiều xét nghiệm máu khác nhau, hoặc "sinh thiết dịch", đang được triển khai để phát hiện các “mẩu” di truyền này, cũng như các protein, các mảnh vụn của khối u, và chỉ dấu sinh học khác, đặc biệt có liên quan tới ung thư.
Gansler cho biết: "Hầu hết các nghiên cứu ung thư cơ bản của vài thập kỷ qua đã tập trung vào việc xác định sự thay đổi của ADN, ARN và protein nhằm giúp phân biệt tế bào ung thư với các tế bào bình thường. Công nghệ đã cho phép các nhà khoa học phát hiện những thay đổi này trong các mẫu máu, nước tiểu và phân".
Các nghiên cứu gần đây nhận thấy ADN khối u lưu chuyển trong tuần hoàn (ctDNA) đã được phát hiện thành công ở những người bị ung thư giai đoạn sớm, gồm:
• Ung thư vú
• Ung thư đại trực tràng
• Ung thư dạ dày
• Ung thư tụy
Một số xét nghiệm máu tìm chỉ dấu sinh học giúp chẩn đoán ung thư hiện đã xuất hiện trên thị trường.
Tế bào hồng cầu và những thay đổi ADN liên quan tới ung thư đại trực tràng cũng được “phóng thích” vào đường tiêu hóa và đào thải khỏi cơ thể qua phân. Hiện nay, đã có một xét nghiệm sử dụng dễ dàng giúp phát hiện các dấu hiệu bất thường từ rất sớm trước khi những thay đổi liên quan tới ung thư đại trực tràng xuất hiện trong máu.
Vào tháng 8/2014, FDA đã phê chuẩn Cologuard, xét nghiệm ADN trong phân đầu tiên. Khuyến nghị sàng lọc hiện tại không bao gồm việc sử dụng Cologuard, nhưng các chuyên gia cho rằng điều này mở ra các lựa chọn có sẵn để phát hiện ung thư đại trực tràng.
Cải tiến công nghệ để chẩn đoán ung thư sớm hơn
Chẩn đoán hình ảnh, như chụp nhũ ảnh và chụp cắt lớp CT, cũng đóng một vai trò quan trọng trong chẩn đoán và theo dõi ung thư.
Khi công nghệ được cải tiến và các nhà khoa học hiểu thêm về “bản chất” của ung thư, các xét nghiệm sàng lọc sẽ tiếp tục được phát triển để phát hiện sớm hơn các ung thư, thậm chí phát hiện ở giai đoạn tiền ung thư.
Gansler cũng cho biết "Việc phát triển các phương pháp dự đoán chính xác tình trạng ung thư sớm là thực sự quan trọng và giúp bệnh nhân có thể tránh được các tác dụng phụ của phẫu thuật, xạ trị và/hoặc hóa trị liệu".
Theo WebMD
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (10/09/2014)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (10/09/2014)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (10/09/2014)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (10/09/2014)
- Những điều cần biết về đường huyết (10/09/2014)