Giỏ hàng trống
Nhận biết chứng chóng mặt ở người trung và cao tuổi
Chóng mặt là cảm giác chủ quan của người bệnh. Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh. Thường gặp nhất là cơn chóng mặt kịch phát theo tư thế, hoặc cơn chóng mặt có kèm buồn nôn, ù tai...trong hội chứng Meniere.
Chóng mặt là cảm giác chủ quan của người bệnh. Cơn chóng mặt xảy ra đột ngột nhưng chấm dứt cũng rất nhanh, chỉ trong mấy giây đồng hồ để rồi xuất hiện trở lại. Bệnh có thể gặp ở người từ 20 - 80 tuổi, hay gặp nhất ở độ tuổi 50 - 60. Chóng mặt có thể ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của người bệnh.
Chấn thương và bệnh lý gây chóng mặt
Có nhiều nguyên nhân gây chóng mặt, chủ yếu là chấn thương và một số bệnh lý.
- Nhiều bệnh nhân sau khi bị chấn thương do va chạm, ngã, đụng đập, tai nạn giao thông... bị chấn động tai trong gây chóng mặt.
- Người bị nhiễm độc do uống rượu, do hít phải thán khí của máy nổ, xe máy, xe hơi, ngửi phải hơi than, khói có oxyt cacbon..
- Bệnh nhân mắc các bệnh viêm tai giữa, viêm xương chũm, viêm màng não, nhiễm virut, rối loạn tuần hoàn ở trong tai, huyết áp dao động.
- Do tổn thương trong não.
- Do ống tai ngoài bị bít như dị vật, ráy tai.
- Do dùng một số thuốc có ảnh hưởng đến tiền đình tai trong.
Tuy vậy, cũng chỉ có 30% các trường hợp biết rõ nguyên nhân, còn lại là chóng mặt không rõ nguyên nhân.
Các loại chóng mặt tư thế
Ở người cao tuổi, thường gặp nhất loại chóng mặt kịch phát theo tư thế. Bệnh xảy ra đột ngột, trước đó không có bệnh gì rõ rệt, thường vào buổi sáng sớm hoặc buổi tối lúc đi ngủ. Khi người bệnh đang nằm, đầu nghiêng trên gối quay sang phải hoặc trái, hay quay cả người, hoặc đang ngồi mà nghiêng đột ngột sang một bên, người bệnh thấy chóng mặt dữ dội. Thường cơn chóng mặt xuất hiện theo một tư thế nhất định hoặc theo một bên nhất định, chẳng hạn bên phải hay bên trái.
Hầu hết người bệnh tự mình xác định được tư thế nào gây cơn chóng mặt, do đó tự tìm được cách tránh tư thế đó, hoặc chuyển sang tư thế đó một cách từ từ, nhẹ nhàng. Cơn chóng mặt thường xuất hiện bất ngờ, có cơn rất mạnh trong vài ba ngày. Sau đó, cơn chóng mặt kịch phát theo tư thế thưa dần trong thời gian từ vài tuần đến vài tháng, các cơn nhẹ dần, ngắn dần, rồi hết hẳn. Trong các năm sau, cơn chóng mặt có thể tái phát, nhưng nhẹ hơn. Ở một số người cao tuổi, bị cơn trở đi trở lại trong nhiều năm, bệnh trở thành mạn tính.
Chóng mặt trong hội chứng Menière: người bệnh đồng thời bị chóng mặt, ù tai, điếc, do tổn thương tai trong. Hội chứng này làm cho người bệnh rất khó chịu, nhưng nó có xu hướng tự khỏi. Bệnh nhân có thể hết chóng mặt, song vẫn còn ù tai kéo dài và nghe kém.
Chóng mặt xuất hiện từ từ, ở bất kỳ tư thế nào, không dữ dội nhưng kéo dài trong nhiều ngày, có thể kèm theo rung giật nhãn cầu, thường là biểu hiện một tổn thương trong não. Bệnh nhân cảm thấy mọi vật quanh mình quay tít, hoặc bản thân bị quay như đứng giữa một cơn lốc, có khi cảm thấy bồng bềnh như đi thuyền trên sông hoặc bước hẫng, đi lại không vững hoặc đi như bị kéo lệch về một phía. Có lúc bệnh nhân thấy nhà cửa đu đưa, giường chao đảo, mặt đất dập dềnh. Một số bệnh nhân bị chóng mặt kèm theo buồn nôn hoặc nôn, vã mồ hôi, tim đập nhanh, hồi hộp, sợ hãi. Trường hợp này, bệnh nhân cần được các chuyên khoa phối hợp khám kỹ mới xác định được nguyên nhân và đề ra cách điều trị thích hợp.
Điều trị và tập luyện
Điều trị các loại chóng mặt kịch phát theo tư thế như trên, có thể chữa bệnh qua 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1, chữa triệu chứng, từ 2 - 3 ngày, làm giảm các triệu chứng khó chịu. Trong cơn chóng mặt, bệnh nhân cần nằm yên ở nơi yên tĩnh, ít ánh sáng, nằm nghiêng về phía không gây cơn. Dùng thuốc an thần nhẹ theo chỉ định của bác sĩ.
Bệnh nhân nên ăn thức ăn dễ tiêu.
- Giai đoạn 2: nâng đỡ sức khỏe, từ 10 ngày - 2 tuần.
Bệnh nhân có thể hoạt động nhẹ nhàng, nhưng cần tránh đi lại trên cao, tránh đến gần các vật chuyển động nhanh như xe cộ, quạt điện...; Có thể uống tiếp 7 ngày thuốc chống chóng mặt. Giai đoạn 3: tập luyện, đây là phương pháp điều trị cơ bản, kéo dài trong nhiều tháng.
Các bài tập nhằm rèn luyện cho tiền đình chịu đựng các thay đổi tư thế để dần phục hồi hoàn toàn. Bài tập cơ bản: bệnh nhân ngồi trên giường, thả chân dưới sàn nhà, nhắm mắt thư giãn rồi dần dần nghiêng đầu về một bên cho đến khi đầu nằm ngang trên giường, giữ tư thế này ít nhất 30 giây, trở lại tư thế ban đầu, ngồi yên trong 30 giây, tiếp tục làm động tác nghiêng đầu về bên đối diện. Lần đầu tập chỉ làm 3 - 4 lần nghiêng đầu về mỗi bên. Những lần sau, mỗi buổi tập nghiêng đầu về mỗi bên 5 - 7 lần. Mỗi ngày tập 2 buổi vào buổi sáng khi thức dậy và buổi tối trước khi ngủ. Bệnh nhân cần tập kiên trì trong 1 - 2 tháng.
Cách tập luyện nêu trên đã được ứng dụng ở nhiều nước trên thế giới và đã mang lại kết quả tốt trong 80% số bệnh nhân.
Bệnh nhân cũng cần tránh các yếu tố gây kích động tâm thần, tâm lý, thần kinh. Không dùng các chất kích thích như rượu, thuốc lá, cà phê đặc, nước chè đặc.
Phòng bệnh bằng cách nào?
Chóng mặt ảnh hưởng lớn đến đời sống bệnh nhân. Bệnh lại do nhiều nguyên nhân gây ra. Vì vậy, phòng tránh chóng mặt có ý nghĩa quan trọng. Biện pháp phòng bệnh chủ yếu là: đề phòng chấn thương do ngã, tai nạn giao thông...; hạn chế uống rượu, bia; đeo khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường có thán khí của xe, máy, khói...; khám và điều trị tích cực các tai mũi họng, nhiễm khuẩn...
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (10/01/2014)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (10/01/2014)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (10/01/2014)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (10/01/2014)
- Những điều cần biết về đường huyết (10/01/2014)