Cẩn thận với tiếng khò khè ở trẻ nhỏ

Ngày cập nhật: 11/05/2014

Khò khè là tiếng thở bất thường xảy ra khi trẻ bị tắc nghẽn đường hô hấp dưới, đặc biệt khò khè hay gặp ở trẻ dưới 3 tuổi

Cha mẹ không quá khó để phát hiện ra trẻ bị thở khò khè, trẻ có tiếng thở bất thường, có âm sắc trầm nghe rõ nhất khi trẻ thở ra, có thể nghe rõ bằng cách áp sát tai gần miệng trẻ. Khi nặng hơn, có thể thấy trẻ thở ra kéo dài, gắng sức. Cũng có một số trường hợp không thể nghe rõ bằng tai, khi đó, cần tới bác sỹ qua các ống nghe.

Thực tế, trẻ bị thở khò khè rất hay bị nhầm lẫn với trẻ bị nghẹt mũi. Trẻ nhỏ sức đề kháng kém, rất dễ bị ho cảm làm trẻ thở khụt khịt, với các trường hợp này các mẹ chỉ cần nhỏ vài giọt nước muối sinh lý, sau đó nghe lại sẽ thấy tiếng thở của trẻ dễ chịu hơn. Trẻ bị nghẹt mũi sẽ thở êm hơn sau khi được làm thông thoáng mũi.

Ths.Bs Thái Thanh Thư, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mức độ tắc nghẽn đường hô hấp phụ thuộc nhiều vào độ rộng của đường thở. Ở trẻ nhỏ, con đường này rất hẹp, vì vậy chỉ cần độ rộng này giảm chút ít là đường thở đã có thể bị tắc nghẽn nặng.

Lồng ngực của trẻ nhỏ có tính đàn hồi cao hơn so với trẻ lớn. Khi bé thở ra gắng sức, lồng ngực có thể chuyển động vào trong, tăng áp lực lên đường thở, khiến nó càng hẹp hơn.

Nguyên nhân khò khè ở trẻ nhỏ

- Viêm tiểu phế quản (viêm các nhánh phế quản nhỏ ở tận cùng đường hô hấp) thường gây ra các đợt khò khè ở trẻ nhỏ. Bệnh do virus, chủ yếu là virus hợp bào hô hấp gây ra.                                                                             

- Một nguyên nhân phổ biến khác là tình trạng trào ngược dạ dày thực quản (các thành phần dịch axit từ dạ dày đi ngược vào thực quản).

- Triệu chứng khò khè có thể xuất hiện ngay sau khi sinh, ở các bé có bất thường cấu trúc đường hô hấp. Phổ biến nhất là tình trạng mềm sụn thanh quản (sụn đỡ thanh quản chưa phát triển hoàn chỉnh). Lúc này thanh quản bị hẹp ở thì thở ra, gây khò khè.

- Việc hít phải dị vật cũng có thể gây ra hiện tượng khò khè.

Cẩn thận với tiếng thở khò khè ở trẻ nhỏ

Theo Ths.Bs Thái Thanh Thư, có tới 50% trẻ nhỏ có đợt khò khè trong năm đầu đời nhưng hầu hết các bé này đều không bị hen. Nguy cơ phát triển thành bệnh hen tăng cao hơn ở những trẻ có ít nhất 3 đợt khò khè trong vòng 12 tháng đầu, kèm theo các yếu tố nguy cơ như: Bố mẹ bị hen phế quản; Bé có cơ địa chàm (eczema); Bé dị ứng với các dị nguyên như bụi nhà, nấm mốc…

Khi nào cần đưa bé đi khám bác sĩ?

- Trẻ thở khò khè lần đầu tiên; khò khè kèm khó thở, tím tái, rối loạn tri giác (vật vã - bứt rứt, hay li bì ); khò khè tái phát.

- Nếu trẻ dưới 3 tháng tuổi bị khò khè, cần đưa trẻ đến bệnh viện ngay vì đây là triệu chứng bệnh nặng ở lứa tuổi này.

- Khi trẻ bị khò khè kéo dài, dai dẳng (3- 4 tuần ), cần cho trẻ đến khám bệnh viện chuyên khoa vì nhiều trường hợp cần phải làm nhiều xét nghiệm chuyên sâu để xác định chẩn đoán (chụp X quang, siêu âm, đo hô hấp ký, chụp CT ngực, nội soi đường hô hấp, … )

Lưu ý, cha mẹ không nên tự ý dùng thuốc, kể cả các loại thuốc kháng sinh, long đờm, kháng viêm,… vì  có thể sẽ không đạt hiệu quả tốt mà có khi còn làm trẻ khò khè nhiều hơn, dẫn đến bệnh nặng hơn.

Dấu hiệu bệnh nặng:

- Ho nặng tiếng

- Tím quanh môi

- Khóc không ra tiếng

- Cánh mũi phập phồng

- Co rút lồng ngực

- Thở nhanh

Theo Vnmedia

 

 

Đang tải...