Những điều cần biết về bệnh đau mắt đỏ

Ngày cập nhật: 09/10/2014

Đau mắt đỏ hay còn gọi là viêm kết mạc là tình trạng nhiễm trùng mắt thường gặp, do vi khuẩn hoặc virus gây ra hoặc phản ứng dị ứng với triệu chứng đặc trưng là đỏ mắt. Bệnh thường khởi phát đột ngột (cấp tính), lúc đầu ở một mắt sau lây sang mắt kia. 

Bệnh đau mắt đỏ rất dễ mắc, dễ lây lan ra cộng đồng qua đường hô hấp hay tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với dịch rỉ mắt của người bệnh. Bệnh dễ gây thành dịch và một người có thể bị đau mắt đỏ nhiều lần, do đó cần phải giữ vệ sinh thật tốt để kiểm soát tránh lây lan bệnh cho mình và những người xung quanh

Theo BS. Hoàng Cương – Bệnh viện mắt Trung ương mặc dù dịch đau mắt đỏ năm nay xuất hiện muộn hơn mọi năm nhưng có tốc độ lây lan có chiều hướng tăng mạnh. Vì vậy, người dân nên chủ động phòng tránh để không bị mắc bệnh này.

Tại bệnh viện mắt Trung ương, số lượng bệnh nhân đến khám vì đau mắt đỏ gần đây tăng mạnh, chiếm khoảng 25-40% tổng số bệnh nhân. Dưới đây là 10 khuyến cáo về bệnh đau mắt đỏ do BS. Hoàng Cương cung cấp.

1. Ai dễ bị đau mắt đỏ?

Trẻ em thường nhậy cảm với các loại virus nói chung, do vậy khả năng bị nhiễm bệnh đau mắt đỏ sẽ cao hơn. Ngược lại với người già, khả năng nhiễm bệnh sẽ thấp hơn một phần bởi nguyên nhân mô kết mạc đã xơ và lão hóa không thích hợp cho virus phát triển.

2. Đau mắt đỏ thường xuất hiện vào những thời điểm nào?

Đau mắt đỏ liên quan đến vi khí hậu và địa lý. Nóng nực, độ ẩm cao làm bệnh phát triển mạnh. Kiểu thời tiết mùa nóng, mùa mưa bão thường trùng đúng đỉnh dịch. Năm nay do có tháng nhuận nên dịch đau mắt đỏ đến muộn hơn năm ngoái.

3. Nguyên nhân của bệnh đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ do virus thuộc nhóm Adenos gây bệnh đã được biết đến từ lâu. Vius còn được chia thành mấy chục loại dựa thep type huyết thanh. Phổ biến ở Nhật Bản  là chủng huyết thanh HAdV 8 và 54. Các nước châu Á khác tuy đều có bệnh đau mắt đỏ nhưng không có nghiên cứu và công bố nào.

4. Bệnh đau mắt đỏ lây qua những đường nào?

Bệnh lây qua 3 đường chính: hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.

5. Dấu hiệu nhận biết bệnh đau mắt đỏ?

Đau mắt đỏ dễ nhận biết bởi:

- Dấu hiệu báo trước : sốt nhẹ, gai rét, đau họng, nổi hạch dưới cằm hoặc trước tai

- Bệnh toàn phát trong 5-7 ngày: đỏ mắt, ra gỉ nhiều, cảm giác cộm rát, vướng mắt nhưng không gây giảm thị lực trừ khi có biến chứng, bệnh nhanh chóng lan sang bên mắt lành

- Giai đoạn lui giảm trong 5 ngày: các triệu chứng thoái biến, mắt trắng dần ra

6. Nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ có bị lây bệnh hay không?

Nhìn vào mắt của những người bị đau mắt đỏ sẽ không lây bệnh. Đau mắt đỏ chỉ lây qua 3 hình thức : hơi thở và nước bọt, lây trực tiếp tay – mắt, quan hệ vợ chồng.

Vấn đề là không ai nhìn thấy virus trừ khi soi lên kính hiển vi điện tử. Virus có thể sống trên các mặt phẳng, ngoài môi trường tới 2 ngày. Do vậy khả năng lây bệnh khá dễ dàng, nhiều khi không kết nối được nhân- quả.

7. Bị đau mắt đỏ cần phải nhỏ những loại thuốc nào?

Cần nhỏ nước muối sinh lý hoặc nước mắt nhân tạo có độ nhớt thấp được khuyến cáo rộng rãi cho việc điều trị và phòng chống đau mắt đỏ; Kháng sinh và kháng sinh có trộn corticosteroid làm giảm ra gỉ, đem lại cảm giác dễ chịu cho người bệnh, rút ngắn thời gian điều trị.

Một nghiên cứu trên tạp chí nhãn khoa của Anh chứng minh dùng Dexamethasone nhỏ mắt trong 5-7 ngày làm giảm thời gian điều trị đáng kể.

8. Không nhỏ thuốc kháng sinh kéo dài

Nếu dùng thuốc kháng sinh kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ nhờn thuốc của vi khuẩn, lãng phí tiền bạc, gây nhiễm độc thuốc trên mắt hoặc khô mắt.

Chỉ nên nhỏ kháng sinh từ 7-10 ngày.

9. Biến chứng của bệnh đau mắt đỏ?

Nếu bị đau mắt đỏ kéo dài có thể gặp phải những biến chứng: viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu...có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa. Bên cạnh đó là viêm tuyến lệ cấp tính, viêm mủ túi lệ, giả mạc, sẹo kết mạc và khô mắt cũng gây vô số phiền toái cho bệnh nhân.

10. Cách tốt nhất để phòng tránh bệnh đau mắt đỏ?

 

Trường học là mô trường có tương tác lớn, do vậy rất dễ lây lan đau mắt đỏ. Trẻ khi phát hiện đau mắt đỏ cần được nghỉ học 5-7 ngày. Y tế học đường cần đảm bảo trong mùa dịch trẻ phải được rửa tay thường xuyên bằng nước rửa tay chuyên dụng, tra nước muối rửa mắt, sát trùng vật dụng chung hay xử dụng: các tay nắm cửa, nút bấm thang máy...

Đang tải...