Giỏ hàng trống
Tháng 8, cẩn thận với bệnh lý viêm phế quản ở trẻ nhỏ
Viêm phế quản là bệnh lý phổ biến ở đường hô hấp. Bệnh đang có xu hướng gia tăng khi thời tiết chuyển sang mưa nhiều. Chủ động phòng bệnh cho trẻ là cách tốt nhất bảo vệ bé yêu trong mùa mưa này
Bước vào những ngày đầu tháng 8, cũng là lúc bước vào thời kì cao điểm của các bệnh lý đường hô hấp, đặc biệt ở trẻ nhỏ, với hệ miễn dịch chưa hoàn thiện. Năm nay, do mùa mưa tới sớm, nên từ giữa tháng bảy, khoa hô hấp của các bệnh viên nhi đã trở lên quá tải. Theo bác sĩ Trần Anh Tuấn, trưởng khoa hô hấp bệnh viện Nhi đồng 1, mùa mưa kéo dài là điều kiện thuận lợi cho các loại virus gây bệnh về đường hô hấp phát triển. Sự thay đổi của thời tiết khiến cơ thể trẻ vốn yếu sức đề kháng, lại không kịp thích nghi nên dễ bị các loại virus gây bệnh về đường hô hấp tấn công.
Ở trẻ em, một số bệnh lý hô hấp được nhận thấy chiếm tỷ lệ cao trong mỗi mùa bệnh là viêm phế quản, viêm mũi dị ứng, viêm phổi, suy hô hấp…Trong đó, bệnh viêm phế quản là một bệnh có tỷ lệ mắc cao và có nguy cơ gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng.
Viêm phế quản là bệnh lý về đường hô hấp, trong đó các phế quản trong phổi bị viêm. Niêm mạc phế quản bị kích thích sẽ phồng và dầy lên và làm hẹp hoặc tắc nghẽn các tiểu phế quản, sẽ gây ra ho và có thể kèm theo đờm đặc.
Triệu chứng viêm phế quản ở trẻ nhỏ?
Triệu chứng thường gặp nhất ở trẻ là ho, chảy nước mũi trong, sốt cao. Trẻ có thể chán ăn, nôn nhiều.
Ở một số trẻ bị viêm phế quản xuất hiện triệu chứng thở khó, thở rít. Những trường hợp nặng thì tím tái, thậm chí ngưng thở. Khi tới viện khám thường thấy nhịp thở của trẻ nhanh, sốt vừa, xuất hiện các cơn co kéo hô hấp, lồng ngực bị rút lõm, trẻ thở rên. Tiếng thở có thể nghe ran rít, ran ngáy, thông khí phổi kém.
Ở giai đoạn sau, trẻ thường bị ho nhiều hơn, có cảm giác đau rất cổ họng và xuất hiện đờm màu xanh, xám, hay hơi vàng. Trẻ sẽ có cảm giác đau ngực, sốt nhẹ, và mệt mỏi. Nặng hơn nữa trẻ có thể bỏ bú, tím tái. Viêm phế quản có triệu chứng gần tương tự giống hen suyễn. Thông thường, trẻ sẽ khò khè kéo dài khoảng 7 ngày, ho giảm dần trong khoảng 14 ngày rồi khỏi hẳn nếu được chăm sóc tốt. Tuy nhiên, khoảng 1/5 trường hợp bệnh có thể kéo dài nhiều tuần lễ.
Nguyên nhân gây bệnh?
Viêm phế quản thường tiến triển sau khi trẻ mắc các bệnh viêm đường hô hấp trên như : cảm cúm, cảm lạnh, ho, sổ mũi, viêm xoang…, và vi rút gây các bệnh này là nguyên nhân chính gây nên viêm phế quản ở giai đoạn đầu.
Nếu không được điều trị dứt điểm và sức đề kháng yếu, virus này sẽ di chuyển xuống hai cuống phổi (bộ phận nối họng và hai lá phổi với nhau), làm cho khí quản sưng phồng, tấy đỏ, tăng tiết dịch nhầy trong phổi , gây kích thích làm trẻ sẽ ho nhiều và thở mệt do đường thở bị viêm và tắc nghẽn, không khí gặp cản trở khi lưu thông.
Viêm Phế quản còn có thể do nguyên nhân hít phải bụi bẩn, hơi độc hay khói thuốc lá và bụi bẩn.
Điều trị?
Nguyên tắc điều trị viêm phế quản là phải giữ ấm cho trẻ, giúp trẻ làm sạch các đường phế quản nghĩa là giúp trẻ tống đờm nhớt ra khỏi cuống phổi để trẻ dễ thở hơn. Đồng thời, sử dụng thuốc làm giảm các triệu chứng cho trẻ như : giảm ho, hạ sốt…
Đối với bệnh viêm phế quản, trẻ rất dễ bị bội nhiễm trong khi điều trị, do lúc này miễn dịch của trẻ đang rất yếu, dễ dàng bị tấn công bởi nhiều tác nhân gây bệnh. Điều này làm cho việc điều trị cho trẻ viêm phế quản trở lên khó khăn. Đặc biệt với những trường hợp phải nhập viện, trẻ thường bị kéo dài thời gian nằm viện do bội nhiễm các loại vi khuẩn đa kháng thuốc trong bệnh viện.
Trước thực tế này, các chuyên gia y tế khuyến cáo các bậc phụ huynh nên chủ động phòng tránh bệnh cho trẻ khi vào mùa cao điểm, qua việc nâng cao sức khỏe cho trẻ, đặc biệt là nâng cao miễn dịch hệ hô hấp.
Tăng cường dinh dưỡng cho trẻ, giữ ấm cho trẻ khi trời chuyển mưa lạnh, tạo cho trẻ không gian vui chơi thoáng mát, sạch vi khuẩn, và cho trẻ dùng các sản phẩm nâng cao miễn dịch… là các biện pháp được khuyến cáo sử dụng.
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (08/04/2014)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (08/04/2014)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (08/04/2014)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (08/04/2014)
- Những điều cần biết về đường huyết (08/04/2014)