Tiêu chảy có thể tử vong nếu mẹ không chăm sóc bé đúng cách!

Ngày cập nhật: 09/23/2014

Tiêu chảy là bệnh thường gặp, có thể khỏi nhanh chóng nhưng cũng có thể mang lại nhiều nguy hiểm nếu không được chăm sóc và điều trị đúng cách, đặc biệt với đối tượng là trẻ nhỏ.

Mùa hè, nóng bức, thức ăn dễ bị ôi thiu và nhiễm khuẩn, nhiễm kí sinh trùng, do đó đây cũng là mùa của các bệnh liên quan đến vệ sinh thực phẩm như tiêu chảy, tả. Đặc biệt ở đối tượng là trẻ nhỏ, hoạt động vui chơi khiến  nhiều vi khuẩn, kí sinh trùng dễ dàng tấn công trẻ, trẻ nhỏ thường xuyên bị tiêu chảy.

Nhận biết bệnh tiêu chảy?

Trẻ bị coi là bị tiêu chảy khi trẻ đi tiêu trên 3 lần một ngày, ra phân lỏng hoặc toàn nước.

Tiêu chảy gồm 2 loại: tiêu chảy cấp tính xảy ra đột ngột, nhưng chỉ kéo dài vài ngày có khi tới hơn một tuần, nhưng không quá 2 tuần. Tiêu chảy mạn tính, là tiêu chảy kéo dài trên 2 tuần, 1 tháng, có khi hơn nữa, có ngày tiêu chảy ít, có ngày tiêu chảy nhiều, có ngày tưởng như khỏi bệnh, nhưng sau đó lại tái phát ngay. Loại tiêu chảy mạn tính ít gặp hơn tiêu chảy cấp, nhất là ở trẻ em.

                                                  

Nguyên nhân gây tiêu chảy?

Nguyên nhân thường gặp nhất: là do mất cân bằng giữa vi khuẩn có lợi và vi khuẩn có hại trong đường ruột (do ăn uống thiếu vệ sinh, thức ăn dơ bẩn, ôi thiu, không được nấu chín kỹ, hoặc là để ruồi nhặng đậu vào, nước không đun sôi v.v), các vi khuẩn có hại xâm nhập vào đường ruột, chúng sinh sôi nảy nở rất nhanh và lấn áp vi khuẩn có lợi, tiết ra độc tố gây nên tiêu chảy.

Lúc này, cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách: một là cơ thể huy động nhiều nước vào ruột để hòa tan các siêu vi, vi khuẩn và các chất độc do chúng sinh ra; hai là ruột co bóp mạnh để thải nước ra ngoài, mang theo siêu vi, vi khẩn và các chất độc ra ngoài cơ thể, điều đó sinh ra tiêu chảy.

Hậu quả  là cơ thể thải ra quá nhiều nước mà không bù vào, kèm theo mất cả điện giải là những chất muối rất cần thiết cho cơ thể.

Có thể tử vong do mất nước trong tiêu chảy!

Nếu không được bù nước và điện giải cơ thể sẽ lâm vào tình trạng mất nước và điện. Các công trình nghiên cứu về bệnh tiêu chảy đã chứng minh có tới 70% số bệnh nhân tiêu chảy, tử vong là do mất nước. Số còn lại do các nguyên nhân nhiễm độc, viêm phổi... Ngoài ra, trẻ tiêu chảy dễ có nguy cơ suy dinh dưỡng, vì trong khi tiêu chảy các chất dinh dưỡng không được cung cấp đầy đủ do trẻ chán ăn, hơn nữa do gia đình thường mắc sai lầm là không cho trẻ ăn vì sợ ăn vào sẽ tăng tiêu chảy. Hậu quả khi trẻ khỏi bệnh tiêu chảy thì lại bị suy dinh dưỡng

3 mức độ mất nước ở trẻ nhỏ?

-          Mất nước nhẹ: trẻ khát nước và đòi uống. Ở trẻ nhỏ chưa biết nói chỉ biết quấy khóc chỉ khi cho uống nước đủ mới hết khóc.

-          Mất nước vừa: ngoài khát nước trẻ có biểu hiện khô mắt, niêm mạc môi, miệng khô, da nhăn nheo. Các trẻ nhỏ có thể thóp lõm xuống, mắt trũng lại, ngủ mắt nhắm không kín, trẻ khóc không có nước mắt, nước dãi...

-          Mất nước nặng: ngoài các triệu chứng trên sẽ thấy trẻ có dấu hiệu đặc biệt về thần kinh như lừ đừ, có khi vật vã hoặc li bì hôn mê hoặc có những cơn co giật.

                                                

Những lưu ý trong thời gian điều trị tiêu chảy cho trẻ?

- Bổ sung lượng nước thường xuyên nhất là oresol và ngừng bổ sung khi trẻ đã hết tiêu chảy.

- Cho trẻ bú sữa mẹ nhiều hơn ( với trẻ còn bú mẹ)

- Cần tránh các loại nước giải khát, nước ép trái cây quá ngọt vì chúng làm bệnh xấu hơn.

- Không tự ý dùng kháng sinh không theo chỉ dẫn của bác sỹ: Không phải tất cả các trường hợp tiêu chảy đều do vi khuẩn, amip ( có thể do virus và các nguyên nhân không nhiễm trùng khác) , do đó, không thể dùng kháng sinh cho mọi trường hợp. Nếu dùng kháng sinh không đúng, sẽ ảnh hưởng nặng thêm tới sự cân bằng vi sinh đường ruột, do kháng sinh đồng thời tiêu diệt cả các lợi khuẩn. Điều này làm cho tiêu chảy kéo dài, khả năng hấp thụ của trẻ càng kém.

- Tự dùng thuốc chống nôn, cầm đi ngoài: Các thuốc này có thể giải quyết triệu chứng của bệnh nhanh chóng nhưng không phải là biện pháp điều trị triệt để. Chúng không có tác dụng tiêu diệt tác nhân gây bệnh trong đường tiêu hóa. Đồng thời, việc cầm đi ngoài và chống nôn có thể làm cho các tác nhân gây bệnh không được tống ra ngoài nên tồn tại lâu hơn trong đường tiêu hóa, khiến cho bệnh lâu khỏi, thậm chí nặng thêm.

Không những vậy, các thuốc cầm tiêu chảy là những loại thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột làm phân không được thải ra ngoài,do đó trẻ vẫn bị tiêu chảy nhưng phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây chướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong.

                                   

- Không áp dụng chế độ ăn quá kiêng khem: Nhiều bà mẹ khi trẻ có những biểu hiện tiêu chảy cấp như trên thường cho trẻ kiêng khem thịt, trứng, cá… Khi bị tiêu chảy, cơ thể bé khó hấp thụ dinh dưỡng từ thức ăn, nếu bé ăn quá kiêng khem sẽ dễ bị thiếu dinh dưỡng, trẻ không đủ năng lượng để chống đỡ với bệnh tật.

- Có thể bổ sung lợi khuẩn tiêu hóa cho trẻ (dùng men tiêu hóa) : nhờ các sản phẩm có bổ sung một số loại vi khuẩn có lợi như : Lactobacillus acidophilus, Enterogerminar ( Bacillus Clausii).

Ngoài ra cho trẻ dùng các sản phẩm từ sữa non sẽ giúp trẻ nhanh chóng  hết tiêu chảy, lại có thể bổ sung cho trẻ những chất dinh dưỡng thiết yếu khi trẻ khó hấp thu từ thức ăn, nhờ sự đa dạng về giá trị dinh dưỡng của sữa non.

 

 

Đang tải...