Trang bị kiến thức đối phó với viêm não Nhật Bản

Ngày cập nhật: 07/14/2014

Viêm não Nhật Bản là bệnh nguy hiểm, đặc biệt thường gặp ở trẻ nhỏ trong độ tuổi từ 5-9 tuổi. Bệnh có tỷ lệ tử vong và để lại di chứng khá cao, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa, nếu mỗi người đều được trang bị những kiến thức cơ bản giúp chủ động đối phó với viêm não Nhật Bản.

Bệnh viêm não Nhật Bản là gì

Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính làm tổn thương hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi. Bệnh gây nên do vi rut VNNB, lây truyền qua muỗi đốt.

Bệnh được phát hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản với biểu hiện viêm não – màng não tuỷ, nhiều người mắc, tử vong rất cao.

Bệnh VNNB lưu hành như thế nào ở nước ta?

Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng lúa nước hoặc vùng bán sơn địa.

Bệnh VNNB lưu hành tản phát theo mùa, thường từ tháng 4 đến tháng 10 là mùa mưa ở Miền Bắc, đỉnh cao vào các tháng 6, 7.

Quá trình gây bệnh của vi rút VNNB trong cơ thể người như thế nào?

Vi rút VNNB được truyền từ hạch nước bọt muỗi qua da do muỗi đốt người. Sau khi qua da, hạt vi rút nhân lên tại tổ chức dưới da và tại các mạch lympho vùng, di chuyển tiếp đến các hạch lympho, tuyến ức và cuối cùng vào máu, gây nhiễm virut huyết của tổ chức ngoài thần kinh.

Virut đến hệ thần kinh trung ương gây sung huyết, phù nề và xuất huyết vi thể ở não. Gây các tổn thương vi thể như huỷ hoại tế bào thần kinh, thoái hoá tổ chức não, viêm tắc mạch; chủ yếu xảy ra ở chất xám, não giữa và thân não dẫn đến hội chứng não cấp.

Bệnh VNNB được lây truyền theo đường nào?

Bệnh VNNB lây theo đường máu, do côn trùng (muỗi) đốt hút máu động vật nhiễm vi rút rồi  đốt người, qua đó truyền vi rút cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh.

Bệnh VNNB không thể lây trực tiếp từ người sang người. Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.

Véc tơ chính truyền bệnh VNNB ở Việt Nam là loài muỗi Culex tritaeniorhynchus. Ngoài ra một số loài Culex khác cũng có thể có vai trò truyền bệnh như Culex vishnui, Culex gelidus. Vai trò truyền bệnh của một số loài muỗi khác như Aedes albopictus, Anophele minimus...chưa được chứng minh thực tế.

                                      

Ai và lứa tuổi nào thường bị bệnh VNNB?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi nếu chưa có miễn dịch với vi rút VNNB đều có thể bị mắc bệnh. Hiện tại ở Việt Nam tỷ lệ mắc VNNB cao nhất ở nhóm trẻ em từ 5 - 9 tuổi, hoặc lớn hơn. Người lớn có nguy cơ nhiễm do chưa từng được tiêm chủng và nhiễm vi rút, khi đi du lịch, lao động, công tác vào vùng lưu hành bệnh VNNB.

Biểu hiện của thể bệnh VNNB điển hình như thế nào?

Sau thời gian ủ bệnh từ 5 đến 15 ngày, bệnh sẽ xuất hiện theo 3 giai đoạn:

·         Giai đoạn khởi phát: khoảng từ 1 đến 6 ngày. Bệnh nhân có sốt đột ngột, thường kèm theo ớn lạnh, mệt mỏi, đau đầu, buồn nôn và nôn.

·         Giai đoạn toàn phát: Tiếp tục sốt cao 38°C- 40°C, kéo dài; có biểu hiện của viêm màng não (đau đầu, cứng gáy, nôn và buồn nôn, táo bón); biểu hiện rối loạn ý thức (kích thích vật vã hoặc li bì, u ám, có thể đi vào hôn mê);biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương khu trú (co giật, run giật tự nhiên ở ngón tay, lưỡi, mi mắt hoặc toàn thân, liệt cứng); kèm theo rối loạn thần kinh thực vật. Tỷ lệ tử vong từ 0,3% - 60% tuỳ theo việc phát hiện bệnhsớm hay muộn, trình độ kỹ thuật hồi sức cấp cứu chống phù não, suy hô hấp, trụy tim mạch và chống bội nhiễm vikhuẩn.

·         Giai đoạn hồi phục: Nếu qua khỏi, bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Một số trường hợp nặng có thể để lại di chứng liệt cứng ở chi trên hoặc chi dưới, liệt mặt và/hoặc di chứng rối loạn tinh thần, mất ổn định về tình cảm, thay đổi cá tính, chậm phát triển trí tuệ.

Bệnh Viêm não Nhật bản có phòng ngừa được không? Bằng cách nào?

Bệnh VNNB cho tới nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, nhưng hoàn toàn có thể phòng ngừa được nhờ tiêm vaccine phòng VNNB.

Ngoài ra phối hợp các biện pháp phòng chống khác như: kiểm soát muỗi Culex  truyền bệnh; kiểm soát động vật mang vi rút gây bệnh; thực hiện vệ sinh môi trường thường xuyên, quy hoạch và cải tạo khu vực dân cư, khu chuồng trại chăn nuôi để giảm tác hại của véc tơ và vật chủ .

Vác xin VNNB nên được tiêm phòng vào thời gian nào?

Đối với trẻ em dưới 5 tuổi : nên tiêm cho trẻ khi được 12-15 tháng tuổi, theo lịch tiêm đủ 3 mũi của chương trình TCMR.

·         Mũi tiêm thứ 1 : ngày 0

·         Mũi tiêm thứ 2 : ngày thứ 7 đến 14

·         Mũi thứ 3 cách mũi thứ 2 là 12 tháng.

Có thể tiêm nhắc sau 5 năm kể từ mũi tiêm thứ 3.

Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vác xin VNNB thì tiêm ngay càng sớm càng tốt, theo lịch tiêm đủ 3 mũi cơ bản. Mũi tiêm nhắc sau 5 năm.

Đối với người lớn : nếu chưa từng tiêm vác xin VNNB nên tiêm ngay, theo lịch tiêm 3 mũi cơ bản. Nếu đã từng tiêm liều cơ bản thì chỉ cần tiêm nhắc 1 mũi.

Nên tổ chức tiêm trước mùa bệnh khoảng 1 tháng vì kháng thể bảo vệ bước đầu chỉ được tạo thành khoảng 3 tuần sau khi tiêm vắc xin VNNB liều 2, và kháng thể bảo vệ cơ bản chỉ có sớm nhất 1 tuần sau vác xin mũi thứ 3.

            

Những trường hợp nào không được tiêm hoặc hoãn tiêm vắc xin VNNB?

Những người có cơ địa quá mẫn với thiomersal hoặc với các chế phẩm của não chuột, có dị ứng với vác xin VNNB lần tiêm trước.

Những người đang sốt cao hoặc mắc bệnh nhiễm khuẩn đang tiến triển.

Những người đang mắc bệnh tim, gan, thận, đái tháo đưòng giai đoạn nặng, bệnh ung thư máu và các bệnh ác tính.

Không sử dụng cho trẻ em dưới 12 tháng tuổi và phụ nữ có thai.

Người nhiễm HIV đã chuyển thành AIDS.

Tiêm vắc xin VNNB có thể gặp những tác dụng phụ nào?

Một tỷ lệ nhất định người tiêm vác xin VNNB có thể bị tác dụng phụ, cụ thể:

·         Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, xưng, đỏ. Thường gặp ở 5-10% người được tiêm.

·         Một số rất ít có thể có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày. Phản ứng phụ thường gặp ở mũi tiêm thứ 2 hoặc thứ 3 hơn là ở mũi tiêm thứ 1.

·         Một tỷ lệ cực nhỏ (1 trường hợp trên 1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.

       Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung Ương  

 

Đang tải...