Giỏ hàng trống
Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn
Đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc kiểm soát và xây dựng chế độ ăn là một phần quan trọng trong phác đồ điều trị. Dưới đây là một số gợi ý khi xây dựng chế độ ăn cho người đái tháo đường:
Mục tiêu chung chế độ ăn?
1. Đưa mức đường huyết về càng gần bình thường càng tốt.
2. Ngăn chặn hay làm chậm xuất hiện các biến chứng của đái tháo đường
3. Bảo vệ tim mạch, kiểm soát huyết áp, giữ cân nặng ở mức hợp lý.
4. Giúp người bệnh cảm thấy luôn luôn khỏe mạnh, lạc quan và tuân thủ tốt chế độ ăn.
Tuy nhiên không thể có một chế độ ăn áp dụng chung cho mọi người mà cần phải xây dựng một chế độ ăn thích hợp cho từng cá nhân, tùy theo cân nặng, nam nữ, lao động nặng nhẹ, sở thích…
Kiểm soát các thành phần dinh dưỡng như thể nào?
1. Lượng carbohydrat (chất bột) và chất béo đơn chưa bão hòa (ví dụ: dầu ô liu, dầu hướng dương…) chiếm từ 60%- 70% năng lượng. Nên dùng các loại carbohydrat hấp thu chậm.
2. Hạn chế các loại chất béo bão hòa (mỡ động vật) và các loại chất béo đã chế biến (margarin, các loại dầu ăn có nguồn gốc hóa học hay đã qua chiên xào rồi dùng lại).
Nên dùng dầu đậu nành, dầu mè, dầu đậu phụng, dầu ô-liu.
3. Chất đạm chiếm khoảng 15- 20% nhu cầu năng lượng. Nên dùng các loại đạm có nguồn gốc thực vật, các loại dầu, đậu hũ. Chỉ nên dùng thịt nạc (heo, bò, gà), trứng hoặc đậu hũ. Cá sông rất tốt cho người ĐTĐ là: cá lóc, cá rô, cá chạch, cá chốt, cá trê, cá bống, cá thác lác. Một số cá biển như: cá chim, cá thu, cá mực, tôm, cua, nghêu, ốc, hến đều có thể dùng.
4. Không nên dùng trực tiếp những loại thức ăn có thành phần đường hấp thu nhanh. Khi cần bổ sung chất đường, nên chọn các loại trái cây nhưng lượng trái cây cũng phải vừa đủ, không nên lạm dụng
5. Nên ăn theo đúng bữa trong ngày (sáng, trưa, chiều). Không nên ăn nhiều bữa nhỏ hay ăn xế . Tránh việc bỏ bữa, sau đó ăn bù lại làm đường huyết không ổn định và việc này ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng với bệnh nhân có tiêm insulin.
Người bệnh đái tháo đường ăn gì?
1. Rau quả: rau mồng tơi, cải bẹ trắng, rau dền cơm, dưa leo, mướp đắng, rau diếp, củ cải, xà-lách xoong, rau muống, cải bẹ xanh, bầu, bí, cần tây, cà chua. Một số rau quả khác cũng rất có ích cho người bị ĐTĐ như: đậu bắp, rau đay, bông súng, củ sắn nước, đậu hũ, đậu cô-ve, đậu xanh, giá sống, nấm đông cô, mộc nhĩ trắng, cà tím, các loại rau thơm, mè đen, tỏi, hành tây…
Một số loại hạt có tác dụng tốt với bệnh tiểu đường : hạnh nhân, hạt điều, hạt dẻ, quả óc chó, hạt methi, quả hồ đào…
2. Trái cây:
- Nên ăn những loại trái cây có màu đậm. Trái cây có màu đậm thường có nhiều loại vitamin và chất khoáng cần thiết cho tim mạch và sức khỏe nói chung.
- Bản thân chất đường, dù là đường trong trái cây hay đường mía đều làm tăng mức đường huyết và tăng nồng độ các loại mỡ không tốt cho tim mạch (tăng triglycerid và giảm HDL- cholesterol) vì vậy nên dùng với lượng vừa phải (khoảng 10gam 1 suất trái cây: tương đương ½ quả táo, ½ quả lê, ½ quả cam, ½ quả ổi, 4 quả nho, 4 quả vải, 4 quả chôm chôm, 1 lát nho (1cm) đu đủ hoặc thơm, dưa hấu…).
- Chú ý không nên dùng nước ép trái cây, khi đó mất lượng chất xơ có trong trái cây, làm đường huyết có thể tăng cao, không ăn trái cây khô, đóng hộp.
- Khi đã ăn trái cây thì nên bớt lượng chất bột trong bữa ăn hàng ngày với liều lượng tương đương.
- Tuyệt đối không được ăn trái cây để thay các loại thực phẩm khác.
3. Sữa và các loại sản phẩm từ sữa:
- Bệnh nhân đái tháo đường vẫn có thể uống được sữa và dùng các thực phẩm chế biến từ sữa. Tuy nhiên nên dùng những loại sữa không đường, ít béo (khoảng 200 ml/ ngày). Không nên hiểu nhầm sữa dành cho bệnh nhân đái tháo đường dùng để điều trị bệnh tiểu đường, tất cả các loại sữa này dùng thay thế khi bệnh nhân không ăn uống được. Nếu bệnh nhân ăn được dùng thêm sữa, vô tình làm tăng thêm tổng năng lượng trong ngày cho bệnh nhân, đường huyết sẽ tăng cao.
- Ăn một hũ yaourt không đường trước bữa ăn có thể làm giảm sự hấp thu chất bột đường và ít làm tăng đường huyết sau ăn.
- Nên bỏ hẳn thói quen uống sữa trước khi đi ngủ. Có thể uống sữa được vào buổi sáng (điểm tâm) hay buổi trưa.
Lượng khẩu phần ăn trong một buổi theo quy tắc bàn tay (Jimbawe Hand Jive), dễ hiểu và dễ áp dụng:
1. Tinh bột (cơm, phở, hủ tiếu, bún, mì, bánh mì, ngô, khoai…): lượng khoảng 2 nắm đấm của bệnh nhân trong khẩu phần ăn.
2. Thành phần đạm (thịt, cá, tàu hủ…): lượng tương đương khoảng lòng bàn tay.
3. Chất béo (dầu ăn, mỡ, bơ, phô mai…) tương đương 1 đốt ngón tay cái.
4. Thành phần xơ (rau các loại): bệnh nhân ăn càng nhiều càng tốt, chú ý nên dùng rau trước các bữa ăn sẽ tốt hơn.
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (06/18/2015)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (06/18/2015)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (06/18/2015)
- Những điều cần biết về đường huyết (06/18/2015)
- Thông tin cần biết về hội chứng viêm đường hô hấp cấp MER... (06/18/2015)