Những điều cần biết về đường huyết

Ngày cập nhật: 06/15/2015

Đường huyết của mỗi người biến động từ trước khi ăn đến sau khi ăn. Đây là mối quan tâm không chỉ của người bị bệnh đái tháo đường mà còn của tất cả những ai quan tâm đến sức khỏe và vóc dáng của mình

Vai trò của đường trong máu?

Glucose là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Dưới tác dụng của insulin (hormone tuyến tụy), glucose được vận chuyển vào trong các tế bào. Tại đây, chuỗi các phản ứng sinh hóa xảy ra, biến đổi phân tử glucose, tạo ra năng lượng cho tế bào.

Trong cơ thể, lượng glucose trong máu sẽ được điều hòa, nhằm đảm bảo nằm trong một giới hạn cho phép, không quá thừa, hoặc quá thiếu. Khi glucose trong máu không được tế bào sử dụng hết, phần dư thừa sẽ được đưa đến gan và cơ bắp để dự trữ dưới dạng glycogen, hoặc dự trữ tại các mô mỡ. Tuy nhiên, việc nồng độ glucose trong máu thường xuyên ở mức cao, vượt quá cho phép, sẽ khiến cơ chế điều hòa đường huyết của cơ thể, không đảm bảo hoàn thành chức năng của mình, gây ra tình trạng bệnh lý cho cơ thể : đái tháo đường.

Vì sao phải giữ đường huyết ổn định?

                                          

Nếu đường huyết quá thấp, cơ thể thiếu năng lượng và gây nên tình trạng mệt lả, chóng mặt, đột quỵ…

Nếu đường huyết quá cao, mọi phản ứng sinh học bị xáo trộn. Hậu quả là chất đạm, chất béo không được chuyển thể như bình thường khiến chất mỡ tích lũy một cách thái quá, chất đạm bị phân hủy một cách cường điệu do phản ứng sai lầm của cơ thể trong tình trạng chất đường trong máu tăng cao quá lâu. Do đó gây xơ vữa mạch máu, chai não, thoái hóa võng mạc, viêm thận, hoại tử mô mềm, dị ứng… và thậm chí ung thư.

Mức đường huyết thế nào là an toàn?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) mức đường huyết an toàn là:

Trước bữa ăn: 90-130mg/dl (5,0- 7,2mmol/l).

Sau bữa ăn 1-2 giờ: nhỏ hơn 180mg/dl (10mmol/l).

Trước lúc đi ngủ: 110-150mg/dl (6,0-8,3mmol/l).

Tùy lứa tuổi, giai đoạn bệnh, mức độ các biến chứng… mà mức đường huyết an toàn của mỗi người bệnh có thể khác nhau nhưng không nhiều.

Tăng đường huyết là gì?

Tăng đường huyết là có quá nhiều glucose trong máu, phản ánh sự dư thừa glucose tại các mô của cơ thể. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, nếu đường huyết lúc đói lớn hơn hoặc bằng 1,26g/l (7mmol/l) là có tăng đường huyết. Nếu đường huyết thử vào bất cứ lúc nào trong ngày lớn hơn hoặc bằng 2g/l (11mmol/l) là tăng đường huyết sau bữa ăn.

Vì sao đường huyết tăng?

Cơ quan có nhiệm vụ điều chỉnh và ổn định lượng đường trong máu là tuyến tụy, thông qua nội tiết tố insulin. Insulin giúp vận chuyển glucose vào tế bào. Nếu vì lý do nào đó mà insulin không được bài tiết đủ, glucose không được đưa vào tế bào sử dụng, làm tăng lượng đường trong máu. Tình trạng đó nếu kéo dài thì bệnh đái tháo đường xuất hiện.

Thế nào là hạ đường huyết?

Hạ đường huyết là một cụm từ dùng để chỉ sự giảm lượng đường trong máu dưới mức bình thường.

Nguyên nhân dẫn tới tình trạng hạ đường huyết?

-          Dùng quá liều insulin hay thuốc uống, hoặc tiêm insulin không đúng kỹ thuật (đối với bệnh nhân đái tháo đường).

-          Bỏ bữa hay ăn muộn.

-          Phải làm việc mệt nhọc hay tập luyện thể lực quá nhiều.

-          Đang đau ốm (vì lý do bệnh khác).

-          Uống rượu lúc đói.

-         

Để đảm bảo nồng độ đường huyết trong máu, đặc biệt đối với bệnh nhân đái tháo đường, việc lựa chọn thực phẩm cho chế độ ăn là một vấn đề quan trọng, cần được lưu tâm. Nên ưu tiên chọn các loại thực phẩm có chỉ số đường huyết GI thấp, để tránh đường huyết tăng đột ngột, giúp kiểm soát lượng đường trong  máu tốt hơn mà vẫn đảm bảo giữ được nguồn năng lượng ổn định, duy trì cho tế bào sử dụng.

 

Một số thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp như : đậu trắng, đậu nành, đậu phộng, táo, lê, yến mạch, khoai lang, gạo lứt, thịt cá, các loại rau màu xanh…

Đang tải...