Giỏ hàng trống
Thay đổi chế độ ăn khi có cholesterol máu cao
Với bệnh nhân có cholesterol máu cao, việc thay đổi chế độ ăn là chỉ định đầu tiên của các bác sĩ. Giảm chất béo, tăng chất xơ hòa tan, bổ sung đủ acid folic là những nguyên tắc cơ bản.
Để khắc phục tình trạng cholesterol máu cao, chế độ ăn là ưu tiên số một. Chỉ khi phương pháp này không làm hạ được cholesterol tổng cộng xuống dưới mức 200 mg và thành phần cholesterol xấu xuống dưới mức 130 mg, bác sĩ mới kê đơn cho uống thêm thuốc.
Dùng chế độ ăn giảm Cholesterol và calo (nếu bệnh nhân béo phì). Gồm 2 bước:
Bước 1: (Theo khuyến cáo của Hội Tim mạch Mỹ), thành phần chất dinh dưỡng ăn hàng ngày có lượng acid béo bão hoà < 10 %, tổng số các chất béo không quá 30 % và lượng Cholesterol phải < 300 mg/ ngày.
Bước 2: Được áp dụng khi thực hiện bước trên sau 6-12 tuần không kết quả. Trong bước này làm giảm tiếp lượng acid béo bão hoà xuống < 7% khẩu phần và lượng Cholesterol < 200 mg/ ngày.
Thời gian điều chỉnh chế độ ăn và một số lưu ý:
Nếu chỉ cần điều chỉnh chế độ ăn theo như chỉ định đã nói trên thì thời gian cần ít nhất là 6 tháng. Cứ 6-8 tuần nên kiểm tra lại lượng Cholesterol máu. Chế độ ăn phải được duy trì lâu dài cho dù có dùng thuốc hay không dùng.
Theo đó, một số gợi ý về chế độ ăn được khuyến cáo:
- Tránh ăn mỡ động vật (mỡ lợn, bơ, mỡ bò…) và kem sữa bò: Những thực phẩm này chứa nhiều chất béo no, những chất rất dễ làm tắc động mạch. Cách tốt nhất là chọn toàn thịt nạc, nếu ăn thịt gia cầm thì nên bỏ da. Nếu dùng các thức ăn từ sữa thì nên chọn loại đã tách kem (còn gọi là sữa gầy). Ngay cả sữa chua hay pho mát cũng nên chọn loại làm từ sữa gầy hoặc sữa có hàm lượng chất béo chỉ 1-2%.
- Tránh dùng dầu cọ hay dầu dừa. Không chỉ tồn tại riêng lẻ, các loại dầu này có mặt trong kem thực vật để uống với cà phê (coffee creamers, coffee mate), bánh kem, kẹo chocolate…
- Tránh các thức ăn như bơ thực vật dạng thỏi và bánh, bánh nướng lò, sản phẩm dạng rán như khoai tây rán, mì ăn liền và nhiều thức ăn công nghiệp chế biến sẵn khác. Trong những thức ăn này có axit béo dạng trans, có thể làm tăng lượng cholesterol máu.
- Nên dùng dầu ô liu, dầu cải, dầu ngô, dầu hạt rum, dầu đậu nành và dầu hướng dương. Đây là những loại dầu có tác dụng làm hạ mức cholesterol. Điều cần lưu ý là tổng tất cả các loại chất béo nói trên đều không được vượt quá 30% lượng calo cho phép.
- Giới hạn lượng thịt đỏ (bò, ngựa, trâu, cừu) tiêu thụ dưới 255 g/tuần.
- Ăn nhiều cá (mỗi tuần vài ba lần) để thu nhận axit béo hệ Omega-3, có tác dụng bảo vệ tim mạch. Cá hồi, cá ngừ, cá mòi, cá trích và cá thu có nhiều axit béo loại này.
- Tăng lượng chất xơ trong bữa ăn, đặc biệt là dưới dạng hòa tan. Những thức ăn có nhiều chất xơ hòa tan là gạo lức, các hạt họ đậu, đậu lăng, lúa mạch, rau, trái cây (táo, lê, ổi, mận, cam, bưởi). Các thức ăn này làm giảm lượng chất béo và cholesterol được hấp thụ vào cơ thể, giúp “trục xuất” các muối mật ra ngoài.
- Nạp đủ axit folic: Nếu hàm lượng axit này trong máu quá thấp thì hàm lượng homocystein sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo nên nạp mỗi ngày 400 microgram axit folic qua các thực phẩm như rau chân vịt, nước ép trái cam, bánh mì, lạc, đậu trắng và mầm lúa mì.
Một số thực phẩm trong tự nhiên được chứng minh có tác dụng hạ cholesterol, nên được bổ sung như: atiso, lúa mạch, bơ thực vật, chất xơ hòa tan Psyllium, tỏi, bột yến mạch,gạo nếp đen (có chứa lovastatin, làm giảm tổng hợp cholesterol).
Đồng thời, kết hợp với việc thay đổi chế độ ăn, cần có những thay đổi trong lối sống như : không hút thuốc lá, hạn chế rượu, giảm cân với người thừa cân và thường xuyên tập thể dục để tăng lượng HDL-Cholesterol.
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (04/27/2015)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (04/27/2015)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (04/27/2015)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (04/27/2015)
- Những điều cần biết về đường huyết (04/27/2015)