Coi chừng bệnh viêm tai giữa ở trẻ nhỏ

Ngày cập nhật: 06/10/2014

Viêm tai giữa là bệnh rất thường gặp ở trẻ nhỏ, thuộc nhóm bệnh viêm đường hô hấp trên. Bệnh viêm tai giữa thường xuất hiện sau viêm họng, viêm VA ở trẻ. 

Nguyên nhân VTG cấp?

 VTG cấp thường do vi khuẩn từ vòm họng theo vòi nhĩ lên tai giữa và bị kẹt lại trong tai gây nên. Khi đó, cấu trúc tai bé chưa hoàn thiện cùng hệ miễn dịch còn non kém, dễ dàng bị tấn công bởi vi khuẩn, gây nhiễm trùng tai.

Các yếu tố làm trẻ dễ bị mắc VTG ?

-          Trẻ không được bú mẹ;

-          Bị VTG cấp trong 6 tháng đầu đời;

-          Cha mẹ hoặc anh chị có tiền sử viêm tai, trẻ sứt môi, hở hàm ếch kể cả đã được vá chỉnh. Trẻ em có nguy cơ bị VTG cao hơn người lớn vì ở trẻ em sụn vòi nhĩ còn mềm, dễ bị xẹp, vòi nhĩ ở trẻ em ngắn và nằm ngang hơn người lớn, hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn chỉnh, trẻ dễ có nguy cơ bị nhiễm khuẩn hô hấp trên.

-          Đặc biệt, tình trạng viêm VA phổ biến ở trẻ em cũng dễ dẫn đến bệnh VTG.

-          Trẻ sau khi bị cảm lạnh, viêm họng, hoặc phải sống trong môi trường khói thuốc lá cũng dễ mắc VTG.

                                     

Dấu hiệu nhận biết viêm tai giữa?

-          Chảy mủ và đau tai là dấu hiệu đăc trưng của VTG. Hai triệu chứng này làm trẻ nhỏ khó chịu, quấy khóc, đặc biệt khi chạm vào tai có thể làm trẻ khóc thét.

-          Rối loạn tiêu hóa: trẻ đi ngoài lỏng, nhiều lần, xuất hiện gần như đồng thời với triệu chứng sốt.

Mức độ nguy hiểm của VTG?

-          VTG cấp ở trẻ nhỏ có thể gây thủng màng nhĩ, làm tiêu xương, gián đoạn chuỗi xương con... ảnh hưởng đến sức nghe của trẻ. Trẻ bị nghe kém, nhất là từ khi chưa phát triển lời nói, sẽ dẫn đến rối loạn ngôn ngữ (nói ngọng, nói không rõ âm, từ...) làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng giao tiếp xã hội sau này của trẻ

-          Biến chứng nhiễm trùng có thể ảnh hưởng đến tính mạng: VTG cấp có thể dẫn đến những biến chứng sọ não cực kỳ nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não do tai, viêm tắc tĩnh mạch bên, do viêm nhiễm lan từ trần hòm tai lên não hoặc gây liệt dây thần kinh mặt (dây số VII).

Khi nào trẻ bị VTG cần nhập viện điều trị?

-          Khi có các biểu hiện xấu như sốt, nôn nhiều, nhức đầu, rét run, tổng trạng suy sụp, trẻ lớn kêu chóng mặt.

Những trẻ dưới 4 tháng tuổi khi có biểu hiện của VTG : chảy mủ và đau tai, nên nhập viện để điều trị và theo dõi vì hệ thống miễn dịch của bé chưa phát triển hoàn chỉnh, dễ có biến chứng nặng và nguy hiểm.

-          Dấu hiệu viêm tai xương chũm: Tiền sử VTG đã 1 - 2 tuần và đã điều trị nhưng không đến nơi đến chốn hoặc không điều trị, đột nhiên xuất hiện các triệu chứng cấp tính của tai.

Biểu hiện: Bệnh nhân sốt cao trở lại, toàn trạng hốc hác do nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Người bệnh thấy đau tai và vùng xương chũm, đau lan lên nửa đầu, ù tai và nghe kém tăng dần, chảy mủ tai tăng hoặc đột nhiên ngừng chảy mủ, có thể chóng mặt.

Ấn vùng xương chũm (ấn vào sau tai hoặc kéo vành tai) bệnh nhân đau buốt. Cần cho đi khám chuyên khoa tai mũi họng ngay vì nếu viêm tai xương chũm không điều trị đúng cách lại dẫn đến viêm tai xương chũm mạn tính hồi viêm. Đây là một bệnh cấp cứu trong tai mũi họng. Nếu không điều kịp thời sẽ gây ra biến chứng nguy hiểm thậm chí tử vong.

                                        

Phòng bệnh viêm tai giữa như thế nào?

-          Nghiên cứu cho thấy, trẻ bú mẹ ít bị VTG vì trong sữa mẹ có kháng thể giúp bé có sức đề kháng tốt.

-          Đảm bảo quá trình vệ sinh cho trẻ như khi tắm không để nước vào tai giữa, vệ sinh mũi họng để trẻ không bị viêm hô hấp trên, amidan, VA vì giữa mũi họng và tai trong có ống thông nhau nên vi khuẩn vùng mũi họng qua đó mà lan sang tai.

-          Khi đã bị bệnh cần được bác sĩ thăm khám và chỉ định điều trị, theo dõi chặt chẽ các biến chứng.

-          Người có yếu tố nguy cơ (gia đình có anh chị em bị viêm tai giữa) càng cần chú ý khi có dấu hiệu đau tai và sốt.

-          Tăng cường miễn dịch cho trẻ nhờ bổ sung đủ dinh dưỡng từ chế độ ăn. Đặc biệt, trẻ nhỏ rất dễ mắc các bệnh về đường hô hấp trên, do đó, cần tăng cường miễn dịch cho hệ hô hấp để bảo vệ an toàn cho bé. Một số chất có hiệu quả cao trong việc nâng cao miễn dịch hô hấp cho bé như : Thymomodulin, Immungama...

 

BS.Trần Mạnh Toàn

Đang tải...