Giỏ hàng trống
Lạm dụng kháng sinh: Tự nguyện đầu hàng bệnh tật
Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn.
Kháng sinh là một nhóm thuốc được sử dụng trước hết để chữa những bệnh do vi khuẩn gây ra. Thuốc có tác dụng diệt trực tiếp vi khuẩn hoặc làm chậm lại sự phát triển của vi khuẩn để tạo điều kiện cho hệ miễn dịch của cơ thể người giải quyết tình trạng nhiễm khuẩn. Tuy nhiên, việc lạm dụng kháng sinh đang đẩy nhiều bệnh nhân nhiễm khuẩn đến tình trạng vô phương cứu chữa vì không đáp ứng kháng sinh đặc hiệu.
Những kháng sinh thường được sử dụng hiện nay: penicillin, amoxycillin, ampicillin, cephalosporin, erythromicin, tetracylin, doxycyclin, ciprofloxacin, chloramphenicol.
Kháng sinh thường được sử dụng như thế nào?
Kháng sinh có thể dùng theo đường uống, nhỏ mắt, nhỏ tai, tiêm tĩnh mạch, tiêm bắp…Dùng kháng sinh phải dùng đủ liều, đủ thời gian có tác dụng và theo dõi tác dụng của kháng sinh đối với nhiễm khuẩn, như vậy mới có kết quả chắc chắn, khi đó tác dụng phụ của kháng sinh thông thường cũng được giảm nhẹ. Một số tác dụng phụ hay gặp là tiêu chảy vì kháng sinh có thể làm thay đổi cân bằng giữa vi khuẩn bình thường và các loại men, nấm (như Candida Albicans).
Dị ứng penicillin có thể gây mẩn đỏ, trường hợp phản ứng phản vệ (sốc phản vệ) có thể đe dọa tính mạng người bệnh cho nên phải hết sức thận trọng, biết được phản ứng dị ứng do thuốc mà tránh dùng loại thuốc đó.
Lạm dụng kháng sinh có hại gì?
Dùng kháng sinh không đúng rất có hại:
- - Gây lãng phí: Các bệnh do virut không chữa được bằng kháng sinh mà vẫn dùng kháng sinh.
- - Gây khó khăn cho chẩn đoán: bệnh nhân bị viêm ruột thừa cấp mà dùng kháng sinh sẽ làm cho lu mờ các triệu chứng gây khó chẩn đoán.
- - Có khi có tác dụng chữa nhưng lại dễ gây ra phản ứng dị ứng, mẫn cảm thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Sử dụng nhiều kháng sinh và liều cao có khả năng gây suy tủy, nhất là trường hợp sử dụng chloramphenicol nhiều.
- - Một số kháng sinh như streptomycine, kanamycine dùng liều cao có thể gây điếc và suy thận.
- - Lạm dụng kháng sinh làm cho vi khuẩn nhờn thuốc, kháng thuốc ngày càng nhiều, từ đó việc chữa trị bệnh càng khó khăn. Ngày nay các tụ cầu trùng kháng thuốc cephalosporin càng nhiều. Một số vi khuẩn khác cũng kháng thuốc do đó tác dụng chữa trị của kháng sinh ngày càng hạn chế.
Các lý do dẫn đến lạm dụng kháng sinh
-Do bệnh nhân: Nhiều người tưởng rằng kháng sinh chữa được bách bệnh, nên hễ bị bệnh là dùng kháng sinh, vì ở ta việc mua bán kháng sinh còn dễ dàng. Khuynh hướng tự mua thuốc, tự chữa bệnh ngày càng phổ biến - đó là lý do dễ lạm dụng kháng sinh.
-Do thầy thuốc: Trong thực tế hằng ngày, việc sử dụng kháng sinh cũng rộng rãi. Ví dụ, khi chưa xác định được loại vi khuẩn nào và nên dùng loại kháng sinh nào là thích hợp, nhưng theo yêu cầu của bệnh nhân, một số thầy thuốc cũng dễ chỉ định sử dụng kháng sinh. Biết là chưa thật xác đáng, nhưng một số thầy thuốc vẫn kê đơn kháng sinh. Đó cũng là một cách lạm dụng kháng sinh.
-Việc sử dụng thuốc, việc bán thuốc ở nước ta cũng chưa thật chặt chẽ theo quy định nên vẫn xảy ra tình trạng lạm dụng thuốc trong điều trị. Về vấn đề lạm dụng kháng sinh, từ năm 2001, Tổ chức Y tế Thế giới đã có “Kế hoạch toàn cầu để kiểm soát sự đề kháng kháng sinh” và cấm lạm dụng kháng sinh. Ở nước ta, Bộ Y tế cũng đã có những quy định cụ thể về sử dụng kháng sinh và cấm lạm dụng kháng sinh.
Để hạn chế lạm dụng kháng sinh, trước hết các thầy thuốc phải có trách nhiệm và nêu cao vai trò của người thầy thuốc.
Biện pháp tốt nhất, là giảm thiểu việc sử dụng kháng sinh bằng cách hãy tự bảo vệ mình trước các mầm bệnh trong môi trường. Hãy đảm bảo cho cơ thể có một hệ miễn dịch khỏe mạnh thông qua việc ăn uống, sinh hoạt, luyện tập hàng ngày, hoặc sử dụng các sản phẩm hỗ trợ tăng miễn dịch. Một số thực phẩm giúp tăng cường đề kháng hiệu quả như : các loại nấm linh chi, nấm vàng, Thymomodulin, curcumin trong nghệ, tảo đỏ spirulina, tỏi …
Theo GS. Lê Sĩ Liêm - Báo Sức khỏe & đời sống
Bài viết liên quan
- NGUY HẠI TỪ VIỆC SỬ DỤNG NƯỚC MUỐI SINH LÝ ĐỂ RỬA MŨI (05/20/2015)
- Bệnh lý trên mắt do biến chứng của đái tháo đường (05/20/2015)
- Kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn (05/20/2015)
- Kiến thức cơ bản về bệnh tiểu đường (05/20/2015)
- Những điều cần biết về đường huyết (05/20/2015)